Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Thiện Nhơn (1931-2013)

Chân dung Hoà Thượng Thích Thiện Nhơn

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, thế danh Hồ Thanh Tùng, sinh năm Tân Mùi (1931) tại thôn Tân Hòa, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Hồ Ngộ, pháp danh Như Đạo và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sáu, pháp danh Diệu Tùng, trong gia đình có sáu người con, ngài là người con thứ ba. Gia đình ngài có nhiều đời truyền thống thâm tín Tam bảo. Hai vị bào đệ và bào muội từng xuất gia và thành tựu đạo nghiệp rất đáng kể, đó là Thầy Bửu Thanh và Ni sư Quảng Trí.

Từ nhỏ, đã sớm có duyên lành với đạo Phật, ngài thường xuyên theo cha mẹ đến chùa lạy Phật. Chủng tử Phật pháp sớm nảy nở nên năm 12 tuổi (1942), ngài được song thân cho theo học đạo với Thiền sư Tâm Minh là Tổ khai sơn chùa Thiên Sanh (thường gọi là chùa Hang) ở Phù Mỹ. Sau đó, theo học với Hòa thượng Quảng Đức tại chùa Tịnh An – Phù Cát.

Năm 1944, cơ duyên phùng ngộ Hòa thượng Thích Giác Tánh là trụ trì chùa Hưng Long, An Nhơn. Vì cảm phục đạo phong của Hòa thượng Giác Tánh, ngài cùng với Hòa thượng Thiện Duyên đầu sư xuất gia, được ban pháp danh là Quảng Phước.

Năm 1950, ngài được bổn sư cho đi thọ giới Sa di tại chùa Hưng Long, An Nhơn.

Từ năm 1948-1954, ngài làm Thư ký Phật giáo Cứu quốc Liên Khu 5.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, dưới sự khuyến khích của Hòa thượng bổn sư, ngài cùng đoàn học Tăng tại Phật học đường Hưng Long, Bình Định gồm 12 vị: Thích Đồng Thiện, Thích Thiện Duyên, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Tâm Hiện, Thích Đồng Từ, Thích Nguyên Trạch, Thích Từ Hạnh, Thích Liễu Không, Thích Tâm Lâm, Thích Đổng Tánh… vào Khánh Hòa tòng học chuyên khoa Kinh, Luật, Luận tại Tăng học đường Nam phần Trung Việt, Nha Trang (tiền thân của Phật học viện Trung phần – Nha Trang).

Năm 1957, cùng rất đông pháp lữ đồng môn, ngài được Hòa thượng bổn sư cho phép đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Hộ Quốc ở Nha Trang, do Trưởng Lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đường đầu, được bổn sư ban pháp tự là Thiện Nhơn, pháp hiệu là Quán Hạnh.

Năm 1958, ngài tốt nghiệp chương trình Cao đẳng Phật học từ Phật học đường Trung phần, được Tổng hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm làm giảng sư khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Cũng trong giai đoạn này, ngài được mời kiêm nhiệm Chánh Hội trưởng Hội Phật học Quảng Ngãi trong 2 năm.

Từ năm 1964 đến 1975, Giáo hội thỉnh cử ngài làm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Lai – KonTum. Trong giai đoạn này, ngài thành lập và làm Giám đốc các Trường Bồ Đề tại Pleiku.

Năm 1966-1967, ngài gia nhập Nha Tuyên úy Phật giáo, và được bổ nhiệm làm Chánh Sở Tuyên úy Phật giáo, bao gồm Cao nguyên và Duyên hải Trung phần để hỗ trợ, hướng dẫn tâm linh cho quân nhân Phật tử và siêu độ cho binh sĩ tử nạn.

Trong những năm 1964-1975, tuy rất bận rộn với bao công tác hoằng pháp và trọng trách hành chánh điều hành nhiều cấp Giáo hội, nhưng ngài cũng thực thi tâm huyết quảng độ quần sanh, nên đã khai sơn, tạo dựng và đại trùng tu rất nhiều cơ sở tầm vóc cho Đạo pháp, như chùa Hồng Từ (Kontum), chùa Đạo Quang (Sài Gòn), chùa Pháp Hải (Quy Nhơn), chùa Hoa Nghiêm (Phù Cát).

Năm 1982, sau 6 năm bị an trí, lao động, ngài trở về phụ tá Hòa thượng bổn sư Giác Tánh trong trách nhiệm dạy Kinh Luật cho Tăng chúng và quản trị mọi Phật sự tại tổ đình Thiên Đức.

Năm 1987, sau khi Hòa thượng bổn sư viên tịch, ngài đã tiếp nhận tổ nghiệp trong trọng trách “Truyền Đăng Tục Diệm”. Do đó, ngoài việc cùng chư tôn Giáo phẩm, chư tôn Thượng tọa trong bản tỉnh thực hiện các Phật sự tại tỉnh nhà, như: Tăng sự, giáo dục, đào tạo Tăng tài, hướng dẫn Phật tử… Mặc dù Phật sự giáo hội đa đoan, nhưng ngài vẫn luôn luôn ấp ủ hoài bão đại trùng tu ngôi phạm vũ Thiên Đức, vì sau thời gian chiến tranh ngôi bảo tự đã sụp nát hoàn toàn năm 1965, được Hòa thượng Tôn sư tái thiết lại một phần năm 1973-1976.

Tháng 5 năm Kỷ Mão (1999), ngài cùng môn phái quyết định khởi công đại trùng tu ngôi bảo tự Thiên Đức. Sau thời gian tái thiết gần 10 năm, công trình đại trùng tu đã hoàn thành. Vào ngày 06 tháng 9 năm 2007, ngài tổ chức Đại lễ Khánh thành ngôi phạm vũ tổ đình Thiên Đức.

Năm 1991, ngài đứng ra tích cực vận động thành lập Trường Cơ bản Phật học Nguyên Thiều.

Nhiệm kỳ 1992-1997, ngài làm Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định, Chánh Đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.

Nhiệm kỳ 1997-2002, Hòa thượng được suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh Bình Định, Chánh Đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.

Năm 2002, ngài được bầu làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định.

Từ nhiệm kỳ 2002 cho đến khi viên tịch, Hòa thượng được suy cử vào thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Định.

Trong sự nghiệp nối truyền giới thân huệ mạng, Hòa thượng đã được thỉnh cử các giới đàn:

– Năm 1994, ngài làm Giáo thọ A xà lê Đại giới đàn Phước Huệ, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức tại tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

– Năm 2000, ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và làm Yết-ma A xà lê tại Đại giới đàn Chánh Nhơn, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức tại tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

– Năm 2003, Hòa thượng làm Yết ma A xà lê tại giới đàn Ananda-Giác Tánh tại tu viện Vạn Hạnh, Úc.

– Năm 2004, ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết ma A xà lê Đại giới đàn Huệ Chiếu do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức tại tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

– Năm 2004, ngài làm Yết ma A xà lê tại giới đàn Lâm Tế, tu viện Lộc Uyển, Cali, Hoa Kỳ.

– Năm 2009, Hòa thượng làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết ma A xà lê Đại giới đàn Giác Tánh do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức tại tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

Mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng ngài không từ nan bất cứ Phật sự nào, bất cứ sự cần cầu nào. Trong chuyến đi chứng minh cho lễ Khai giảng khóa đầu tiên của Trường Trung cấp Phật học tại Pleiku, ngài bị đột quỵ nhẹ. Giáo hội, môn đồ pháp quyến cùng các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, bệnh viện Chợ Rẫy – TP Hồ Chí Minh tận tình chữa trị, sau đó Hòa thượng đã bình phục gần như hoàn toàn. Nhưng vì nhân duyên hóa độ đã mãn, trọng trách kế thừa tổ nghiệp đã thành, huyễn thân giả tạm như cỗ xe trải qua thời gian cũng đến thời tan rã, Hòa thượng xả bỏ báo thân, an nhiên thị tịch vào lúc 06g30 ngày 20 tháng 4 năm 2013 (nhằm 11.03. Quý Tỵ), trụ thế 83 năm, 55 hạ lạp.

Suốt cuộc đời, từ lúc xuất gia cho đến ngày viên tịch, ngài đã không ngừng phụng sự đạo pháp, hóa độ chúng sanh. Với trách nhiệm “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, kế thừa tổ nghiệp, ngài khơi đèn tuệ giác cho hàng ngàn môn đồ tứ chúng; trong hàng đệ tử xuất gia, nhiều vị đã tốt nghiệp từ Cử nhân cho đến Tiến sĩ Phật học, nhiều vị đã trụ trì, giữ nhiều trọng trách Phật sự trong và ngoài nước. Ngoài công trình trùng tu tổ đình Thiên Đức, ngài cũng có công lớn trong việc khai sơn, tái thiết, trùng tu các ngôi chùa như: Hồng Từ, Đạo Quang, Pháp Hải, Hoa Nghiêm, Thiên Sanh, Thiên Bửu, Phước Điền…

Với cuộc đời thanh tu, đạo cao đức trọng, xứng đáng là bậc Tòng lâm Thạch trụ, là cây đại thụ che mát cho môn đồ tứ chúng.

NAM MÔ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, SẮC TỨ THIÊN ĐỨC ĐƯỜNG THƯỢNG, HÚY THƯỢNG QUẢNG HẠ PHƯỚC, HIỆU QUÁN HẠNH, TỰ THIỆN NHƠN, TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.


– Bản tiểu sử do môn đồ pháp quyến cung soạn.

– Đăng trên trang nhà Quảng Đức, A Di Đà, Đạo Phật Ngày Nay.

– Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *