Sơ Lược Tiểu Sử Tổ Sư Nguyên Thiều- Siêu Bạch

Chân dung Tổ sư Nguyên Thiều

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
TỔ SƯ NGUYÊN THIỀU – SIÊU BẠCH

I . THÂN THẾ & SỰ NGHIỆP HÓA ĐẠO
Tổ Sư Nguyên Thiều họ Tạ, quê ở Trình Hương, phủ Triều Châu, Tỉnh Quảng Đông, sanh vào giờ Tuất, ngày 18 tháng 05 năm Mậu Tý, tức khoãng từ 19 giờ đến 21 giờ, ngày 08.05.1648 (theo tài liệu ở chùa Quốc An, Huế và lịch sử Phật giáo Việt Nam). Ngài xuất gia ở Chùa Báo Tư vào năm 1667 (19 tuổi) và học đạo với Đại lão Hòa Thượng Bổn Khao – Khoán Viên, rất tinh chuyên đạo hạnh.
Theo sách “Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên”, năm Tự Đức thứ 5 (1852) thì vào niên hiệu Cảnh Trị, năm thứ 3, đời vua Lê Huyền Tôn (tức năm At Tỵ, thứ 17, đời Chúa Thái Tông Hoàng Đế Nguyễn Phúc Tần) Ngài theo đoàn tàu buôn qua Quảng Nam, trú ở phủ Qui Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà trên đồi Long Bích, phía Bắc thành Đồ Bàn mở Trường dạy học (Việt Nam Phật Giáo sử lược của TT Mật Thể). Sau Ngài ra đất Phú Xuân, tỉnh Thuận Hóa lập chùa Hà Trung, thuộc huyện Phú Lộc, nay hãy còn; rồi lên Xuân Kinh, Huế lập Chùa Vĩnh Ân và xây Tháp Phổ Đồng. Đến năm Chính Hòa thứ 10 (ngày 27/05 năm Kỷ Tỵ, 1689) chúa Ngãi Vương Anh Tông Hoàng Đế Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) đổi hiệu chùa là Quốc An Tự.
Ngài phụng mạng Chúa Anh Tông Hoàng Đế Nguyễn Phúc Trăn trở về Trung Quốc thỉnh một số danh Tăng đương thời, như Ngài Thạch Liêm, Hòa Thượng Minh Hoằng Tử Dung (có ghi rõ tại bia chùa Quốc An) và một số pháp tượng, pháp khí.
Theo sách Lược khảo Phật Giáo Sử Việt Nam của Thầy Vân Thanh thì Ngài Nguyên Thiều có phụng mệnh Chúa Anh Tông Nguyễn Phúc Trăn trở về Trung Hoa thỉnh Ngài Thạch Liêm, nhưng Hòa Thượng không nhận lời; Chúa Nguyễn cho người thỉnh đã hai lần, nhưng Ngài vẫn chưa đủ duyên để đến Đại Việt.
Đến thời Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu sai hai vị sứ giả là Trần Thiệm Quan và Ngô Tư Quan đến Trung Quốc một lần nữa, thỉnh cầu Ngài Hòa Thượng Thạch Liêm sang hóa đạo và đến lần thứ 3 nầy, thì Ngài mới nhận lời sang Đại Việt. Hòa Thượng đến vào đêm 15 tháng giêng năm At Hợi (nhằm hiệu Khương Hy 34, ngày 27/02/1695, theo tài liệu ký sự hải ngoại của HT Thạch Liêm). Khi Hòa Thượng Thạch Liêm đến Đại Việt, Chúa Nguyễn sắc mở Đại giới đàn truyền giới tại Chùa Thiên Mụ (Huế).

II . CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ
Về năm sinh , năm thị tịch, năm hoằng đạo, nơi thị tịch của Tổ Sư có nhiều sách dẫn. Tuy nhiên nay căn cứ vào di tích, qua văn bia Bảo Tháp, thì Tổ Sư có dừng chân và hoằng dương Phật pháp trên vùng đất Đồng Nai, khai sơn Tổ Đình Quốc An Kim Cang và hành đạo tại đây cho đến khi viên tịch.
Tổ sư viên tịch vào năm Bảo Thái thứ chín, ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (20.11.1728), thọ 81 tuổi. Đồ chúng lập Tháp thờ ở sân trước, phía trái Chùa Kim Cang, lễ nhập Tháp được tổ chức vào năm Kỷ Dậu (1729). Trước khi thị tịch Tổ Sư cho triệu tập tứ chúng, giảng dạy huyền cơ, di chúc mật ngữ, bài kệ phú chúc như sau :
“Tịch tịch cảnh vô ảnh,
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không
Nghĩa :
Lồng lộng gương không ánh
Sáng sáng ngọc không hình
Rõ ràng vật không vật
Vắng lặng không chẳng không !
(lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, trang 142, Nguyễn Hiền Đức, NXB Thành phố phát hành năm 1995)
Tổ Đình Quốc An Kim Cang cũng là nơi Chúa Nguyễn Phúc Ánh có trú chân ẩn dật vào năm 1776. Về sau, để niệm ân trên Quận chúa Ngọc Du, em của Vua Gia Long, là phu nhân của Hoài Quốc Công Võ Tánh có làm một bức hoành sơn son thếp vàng, đề chữ “Kim Cang Tự” cúng dường cho Chùa. Ngoài ra còn có bức tranh Bồ tát Quán Thế Âm được vẽ trên lụa, do Công Chúa Ngọc Vạn (con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) thỉnh từ Tích Lan về thờ, sau khi Bà mất, được đưa về Chùa Kim Cang thờ phượng (trích tư liệu viết tay của Hoàng Ý năm 1998). Bức hoành và tượng Bồ Tát bằng lụa đã bị thiêu do chiến tranh hồi năm 1946 (lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, trang 105,106 của Nguyễn Hiền Đức, NXB Thành phố phát hành năm 1995)
Tháp Tổ Sư được trùng tu nhiều lần, lần trùng tu cuối cùng vào đầu thế kỷ 20 (1900-1910), (lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, trang 126,Nguyễn Hiền Đức, NXB Thành phố phát hành năm 1995).
Cho nên có bia ký như sau :
– Phổ Quang Tự Yết Ma Chủ hương
– Hội Khánh Tự Giáo Thọ Thiền Chủ lập thạch
– Sắc Tứ Từ An Tự Hòa Thượng Pháp Sư
Chứng minh lịnh
– Quốc An Kim Cang Đường Thượng, Tam thập, Tam thế, húy Siêu Bạch Hoán Bích Hòa Thượng Tổ Sư chi tháp .
– Long Thạnh Tự Hòa Thượng
– Đức Sơn Tự Hòa Thượng
– Hưng Long Tự Hòa Thượng
Chư Sơn đồng tạo
Tháp Tổ hình lục giác cao ba tầng, chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh Tháp là 5,20 mét, phía dưới lớn, lên cao nhỏ dần. Tháp dựng trên nền xây đá xanh hình chữ nhật, ngang 3 mét, dài 4 mét, cao 0,80 mét.
6 vị Đại lão Hòa Thượng trên, mỗi năm đều đến tham dự an cư Trường hương tại Tổ Đình Kim Cang, góp phần trùng tu Bảo Tháp Tổ sư, nên có bia ký như thế.
(lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, trang 125,126 Nguyễn Hiền Đức, NXB Thành phố phát hành năm 1995)

III. TRUYỀN THỪA
Về tông tịch : Tổ sư Nguyên Thiều, húy Siêu Bạch, hiệu “Hoán Bích” hay “Nguyên Thiều Thọ Tông” thụy “Hạnh Đoan Lão Hòa Thượng”. Ngài là vị Thiền sư thuộc Thiền phái Lâm Tế, thế hệ thứ 33, được các bậc Trưởng lão kính tôn là vị Tổ Sư khai sơn Phật Giáo Đàng Trong (1677-1728); từ Tổ Đình Thập Tháp Di Đà và đã có mặt sớm nhất trên vùng đất Biên Hòa Đồng Nai. Thời điểm nầy các Chúa Nguyễn giúp Phật giáo Việt Nam phục hưng, phát triển và còn truyền thừa cho đến ngày nay.
Các Chùa thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 34, theo dòng kệ của Tổ Sư tại Đồng Nai, như :
– Tổ Đình Long Thiền có Tổ sư Ứng Sơn – Thành Nhạc
– Chùa Bửu Phong có Tổ sư ? – Thành Chí
– Chùa Đại Giác có Tổ sư Minh Yên – Thành Đẳng (đời kế kiếp có Tổ Phật Ý ở Đại Giác Cổ Tự, đến Saigon kiến tạo Phật Pháp : dựng Chùa Giác Lâm, Chùa Giác Viên…)
– Kim Long Cổ Tự có Tổ Sư Minh Vật – Nhất Tri
Tổ đình Quốc An Kim Cang hay gọi Chùa Kim Cang, Kim Cang Tự, Chùa Tháp đã bị thiêu hủy trong cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1946, theo lời kể của các cụNguyễn Văn Tiềm và Nguyễn Văn Phát người địa phương Bình Thảo ), nhưng trước nền Chùa cũ vẫn còn hai ngôi Tháp Cổ trải dài thời gian theo năm tháng, nơi đó rất hoang vắng, ít người lai vãng nên bị lu mờ !

IV . CÔNG ĐỨC PHÁT HIỆN CHÙA THÁP

Vào ngày 18/11 âl, năm Mậu Thìn (26.12.1988), Thượng Tọa và Tăng chúng phát hoang làm vườn, thấy đây là Tháp thờ Tổ, nhưng chưa rõ là Tháp Tổ Sư ?
Thượng Tọa cho người cạo bỏ những phần đất mối xung quanh Tháp, cạo sạch rong rêu đất cát từng nét chữ …làm lại cho trang nghiêm.
Sau có nhà sử học Nguyễn Hiền Đức tìm đến, nhận ra được là Tháp của Tổ Sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch. Trên Bia Tháp của Tổ Sư có ghi rõ :”Quốc An Kim Cang Đường Thượng Tam Thập Tam Thế húy Siêu Bạch hiệu Hoán Bích Hòa Thượng Tổ Sư chi tháp”.
Thế là TT Minh Lượng tiếp tục công việc xin phép Chính quyền địa phương, thương lượng với bà con xung quanh để được trùng tu sửa chữa nền Tháp và xây vòng rào tạm thời để bảo vệ Tháp Tổ Sư. Thỉnh HT Phó Pháp Chủ thượng Huệ hạ thành đến nguyện hương, chứng minh công trình trùng tu Tháp Tổ.
Đến đầu năm 1989, công trình trùng tu ngôi Tháp mộ bị gián đoạn do TT Minh Lượng lâm bệnh nặng, nên đành bỏ dở dang.

V. BƯỚC ĐẦU CÔNG TÁC TRÙNG TU TỔ ĐÌNH
Ngày 25.08.2004, Ban Trị Sự Tỉnh Hội được Hội Đồng Trị Sự GHPGVN ra công văn chấp thuận cho Ban Trị Sự đứng ra trùng tu ngôi Tổ Đình – kèm công văn số 661/TGCP/V2,ngày 22/09/2004 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ chấp thuận cho trùng tu Tổ Đình Kim Cang.
Trong quá trình nầy, HT Thích Minh Chánh khi còn là Phó Ban Trị Sự, HT cũng rất quan tâm về việc phục hồi di tích Phật Giáo cổ, có tâm nguyện tham gia việc thực hiện trùng tu ngôi Cổ Tự. Hòa Thượng thường xuyên hướng dẫn những vị Phật Tử đi đến nhiều Chùa thuộc phổ hệ để tham khảo về chứng tích của Tổ Sư. Đến năm 2007, với tư cách là Trưởng Ban Trị sự THPG Đồng Nai, HT đã thực hiện nhiều công việc Phật sự quan trọng cho Tỉnh Hội có hiệu quả, trong đó có Phật sự trùng tu Tổ Đình Kim Cang. Đây là cơ duyên đáp ứng hoài bảo từ lâu, HT bắt tay hưng công kiến thiết trùng tu.
Bước đầu chuẩn bị cho công cuộc trùng tu luôn gặp nhiều khó khăn, do tiến độ giải quyết việc giải tỏa đền bù cho hai hộ dân di dời đi nơi khác quá chậm. Nhờ oai lực của mười phương Tam Bảo, được sự hổ trợ và quan tâm của Cơ quan Chính Quyền, Ban Ngành Đoàn Thể các cấp từ tỉnh đến địa phương, cũng như bà con ấp Bình Lục ủng hộ, nên bước đầu chuẩn bị cho công tác trùng tu thành tựu mỹ mãn.
Về kinh phí đền bù lên đến 1.171.980.000 đồng, số tiền nầy do Phật tử Trương Hữu Quyến hổ trợ cúng dường.
Ngày 12/06/2007, Uy Ban Nhân Dân Tỉnh Đồng Nai có công văn số 4352/UBND-VX chấp thuận cho Ban Trị Sự Tỉnh Hội trùng tu Tổ Đình Quốc An Kim Cang, xã Tân Bình, Huyện Vĩnh Cửu .
Ngày 15.07.2008 tổ chức chẩn tế, trai đàng, tại Tổ Đình Kim Cang và ủy lạo tặng 100 phần quà cho bà con nghèo nhân ngày thương binh liệt sĩ tại xã Tân Bình .
Ngày 23.07.2008 Sở Nội Vụ – Ban Tôn Giáo Tỉnh Đồng Nai có công văn công nhận Tổ Đình Quốc An Kim Cang là đơn vị cở sở của GHPGVN
Ngày 25.07.2008, Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật giáo Đồng Nai ra quyết định số 313/QĐ/BTS công nhận Tổ Đình Quốc An Kim Cang sinh hoạt theo Hiến chương GHPGVN .
Ngày 13.10.2008 Ban Trị Sự Tỉnh Hội đăng tin thông báo bốc mộ hoang trong khuôn viên đất của Tổ Đình trên Đài Phát Thanh Truyền Hình Đồng Nai và Báo Đồng Nai
Ngày hôm nay lần đầu tiên Tỉnh Hội tổ chức lễ húy kỵ Tổ Sư và lễ đặt đá (15-16/11/2008) chuẩn bị thi công trùng tu Tổ Đình vào đầu năm Kỷ Sửu (2009). Đánh dấu một bước chân mới trên bước đường hoằng pháp lợi sanh theo hạnh nguyện của Tổ Sư .
Hậu bối điều ngụ tử, viết lịch sử Tổ Sư nhằm để tưởng niệm ân đức sâu dày của Ngài, lập lại những gì đã mai một. Xin dâng lên Ngài một tấm lòng, thành tâm đảnh lễ cúng dường công đức Tổ Sư.
Nhất tâm kính lễ Quốc An Kim Cang Đường Thượng, Tam thập, Tam thế, húy Siêu Bạch, hiệu Hoán Bích Đại lão Hòa Thượng Tổ Sư .

Ngày 08 tháng 11 năm 2008

       HT Thích Giác Quang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *