Giới thiệu Tiểu Bộ Kinh
Tính chất tập hợp của bộ sưu tập này, gồm không những chỉ những bài kinh do đức Phật thuyết mà còn là bộ sưu tập những ghi chú lý thuyết ngắn gọn hầu hết bằng kệ thơ, những bản hùng ca của cuộc tự phấn đấu và thành đạt của chư vị Trưởng lão Tăng cũng như Trưởng lão Ni, sự tích tiền thân, lịch sử đức Phật v.v… có thể giải thích cho tiêu đề của nó.
Trong số năm bộ kinh, tập hợp bộ kinh (Tiểu bộ kinh) chứa một số lớn nhất những luận thuyết (như được liệt kê dưới đây) và nhiều phạm trù pháp nhất. Mặc dù từ ‘khuddaka’ nghĩa đen là ‘tiểu’ hay ‘nhỏ’, nội dung thực sự của bộ sưu tập này không vì lý do gì có thể bị xem là tiểu, nó gồm tương đương hai tạng chính, đó là, tạng Luật và Tạng Kinh, theo hệ thống phân loại. Tính chất tập hợp của bộ sưu tập này, gồm không những chỉ những bài kinh do đức Phật thuyết mà còn là bộ sưu tập những ghi chú lý thuyết ngắn gọn hầu hết bằng kệ thơ, những bản hùng ca của cuộc tự phấn đấu và thành đạt của chư vị Trưởng lão Tăng cũng như Trưởng lão Ni, sự tích tiền thân, lịch sử đức Phật v.v… có thể giải thích cho tiêu đề của nó.
Sau đây là danh sách những luận thuyết như đã được Hội Nghị Kết Tập Tam Tạng lần thứ sáu (Yangon, Myanmar) công nhận:
TẬP HỢP BỘ KINH:
(a) Tạng Luật.
(b) Tạng Luận.
(c) Những bài kinh không gồm trong bốn bộ kinh đầu tiên.
1) Tập Hợp Kinh.
2) Kinh Pháp Cú.
3) Phật Tự Thuyết.
4) Phật Thuyết Như Vậy.
5) Kinh Tạng.
6) Vimānavatthu.
7) Ngạ Quỷ sự.
8) Trưởng Lão Tăng Kệ.
9) Trưởng Lão Ni Kệ.
10) Chuyện Tiền Thân.
11) Niddesa Đại, Tiểu.
12) Phân Tích Đạo.
13) Apadāna.
14) Phật Sử.
15) Hạnh Tạng.
16) Netti.
17) Petakopadesa.
18) Mi Tiên Vấn Đáp.
1. TẬP HỢP KINH
Phần đầu trong Tập Hợp Kinh này, Khuddaka pātha, gồm có “những bài học về những đoạn nhỏ” hầu hết cũng được tìm thấy trong những phần khác của Tam Tạng Kinh Điển. Đó là bộ sưu tập gồm chín công thức ngắn và những bài kinh được dùng như sách giáo khoa cho sa di đang học tập, đó là (a) Tam Quy, (b) Thập Giới, (c) Ba mươi hai thể trược (d) Những Pháp đơn giản cho sa di dưới dạng sách Giáo Lý Vấn Đáp, (e) Hạnh Phúc Kinh, (f) Linh Bảo Kinh, (g) Kinh Tirokutta, (h) Kinh Nidhikanda và (i) Kinh Từ Bi.
Quy y Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng, bằng cách cung kính đọc ba câu sau đây, “Con đem hết lòng thành kính quy y Phật, Con đem hết lòng thành kính quy y Pháp, Con đem hết lòng thành kính quy y Tăng”. Là hành động có ý thức diễn tả đức tin trọn vẹn vào Tam bảo, không chỉ là lời bày tỏ niềm tin hời hợt thiển cận cũng không phải nghi lễ của lòng mộ đạo theo truyền thống. Hành dộng nầy gồm (i) Thái độ khiêm tốn của mình; (ii) Nhận Tam bảo như là những nguyên tắc chỉ đạo và lý tưởng của mình; (iii) Nhận là đệ tử và (iv) Tỏ lòng tôn kính Tam bảo.
Trong phần về “Câu hỏi dành cho bé”, pháp được cắt xén cho thích hợp với tư duy của trẻ.
Một là gì? Chất bổ dưỡng duy trì mạng sống của chúng sanh.
Hai là gì? Tâm và Vật Chất.
Ba là gì? Ba loại cảm thọ: Lạc, Khổ và Trung tính.
Bốn là gì? Bốn Sự Thật Cao Quý.
Năm là gì? Năm Uẩn chấp thủ.
Sáu là gì? Sáu cơ quan cảm giác (lục căn).
Bảy là gì? Bảy Yếu Tố Giác Ngộ.
Tám là gì? Con Đường cao thượng gồm Tám chi.
Chín là gì? Chín Cảnh Giới hay chín loại chúng sanh.
Mười là gì? Mười Bất Thiện Nghiệp.
Mahā Mangala Sutta, bài kinh về phúc lành cao thượng, là bài kinh được Phật tử trong nhiều nước có Phật giáo là quốc giáo ưa thích đọc và áp dụng nhiều nhất. Đó là bản tóm tắt toàn diện về đạo đức Phật giáo đối với cá nhân cũng như xã hội, được viết thành văn vần rất hay. Ba mươi tám điều hạnh phúc được liệt kê trong bài kinh như những lời hướng dẫn chắc thật xuyên suốt đời người bắt đầu với lời khuyên ‘Không gần gũi kẻ ác’ và đưa ra lý tưởng và các pháp hành cơ bản hầu tiến bộ về đạo đức và tâm linh, đem lại lợi ích và hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Hạnh phúc cuối cùng là tâm phát triển cao, luôn giữ được trầm tĩnh trước những thay đổi thất thường của vận mạng, không bị ưu sầu làm ảnh hưởng, tẩy sạch mọi phiền não và như thế đạt giải thoát – tâm của bậc Thánh A-la-hán.
Khuddaka pātha là một bộ sưu tập gồm chín công thức và những bài kinh được sắp xếp trong cách như thế để hình thành một chủ đề liên tục chứng minh pháp hành của đời sống phạm hạnh: Cách một người chấp nhận giáo lý của đức Phật bằng Quy y Tam bảo, rồi phép thọ trì Thập Giới để thanh tịnh tâm. Kế đó, người ấy nhận đề mục thiền, quán ba mươi hai thể trược, phát triển tâm không dính mắc. Kế đến, người ấy được chỉ về giới và phước của việc cho ra, cách người ấy đem lại thiệt thòi cho chính mình vì không thực hành việc phước thiện. Trong lúc đó, người ấy thường đọc tụng Hạnh Phúc Kinh để bảo vệ mình và đọc Linh Bảo Kinh để hộ trì người. Cuối cùng người ấy rải tâm từ đến tất cả chúng sanh, nhờ đó giữ mình an toàn khỏi tai hại, cùng lúc đó đắc định ở các tầng thiền, cuối cùng sẽ dẫn đến mục đích của đời sống tâm linh, Niết bàn, bằng Tuệ – Đạo.
2. KINH PHÁP CÚ
Kinh Pháp Cú là một cuốn sách trong Tam Tạng Kinh Điển phổ biến và nổi tiếng trong các nước quốc giáo và ở các nước khác nữa. Kinh Pháp Cú là một bộ sưu tập những lời dạy của đức Phật hay những nguyên tắc tinh yếu và cơ bản của giáo Pháp. Sách gồm 423 bài kệ được sắp xếp theo những chủ đề trong 26 chương.
Bài kệ 183 ghi lại cô đọng giáo pháp của đức Phật. Không làm các việc ác. Chăm làm các việc lành, lọc tâm ý trong sạch. Mỗi bài kệ gói gọn tinh hoa của chân lý soi sáng con đường của người lữ hành. Nhiều bài kệ Pháp Cú được tìm thấy trong bài viết và lời nói hằng ngày của Phật tử. Người ta có thể tiếp nhận được nhiều dưỡng chất và nguồn động viên tinh thần trong kinh Pháp Cú không chỉ để phát triển tâm mà còn trong sinh hoạt hằng ngày nữa.
Kinh Pháp Cú mô tả con đường mà người lữ hành nên theo. Trong ba bài kệ 277, 278 và 279 nói rằng tất cả các pháp hữu vi đều thoáng qua và vô thường, tất cả các pháp hữu vi đều khổ, tất cả các pháp hữu vi đều không có thực chất, không thể có khả năng được gọi là của ta (vô ngã). Khi người ấy thấy bản chất thực của các pháp với Tuệ Quán, vị ấy sinh nhàm chán thân ngũ uẩn. Lúc vỡ ảo tưởng như thế dẫn đến con đường thanh tịnh (Niết bàn).
Bài kệ 243 định nghĩa dạng cao nhất của bất tịnh là vô minh (avijja) và diễn đạt rằng nỗi khổ trên đời có thể chấm dứt chỉ bằng quá trình diệt trừ tham ái, hay trước hết xa lánh tham đắm dục trần. Tham, sân, si được mô tả nguy hiểm như lửa và nếu chúng không bị kiềm giữ trong vòng thu thúc lục căn, thì đời sống hạnh phúc không thể có tại đây và sau này.
Tránh hai cực đoan, đó là đắm say dục lạc và hành khổ hạnh ép xác, con người phải theo Trung Đạo, Bát Chánh Đạo – Con Đường Cao Thượng gồm tám chi để đạt đến an lạc tuyệt hảo – Niết bàn. Đạt đến Thánh đạo thấp nhất – Nhập Lưu – trên lộ trình này do đức Phật chỉ dạy được ưa chuộng hơn thậm chí có tài sản khắp nơi trên thế giới (kệ 183).
Kinh Pháp Cú nhấn mạnh rằng tự mình làm nên hay tự mình làm hại chính mình, và không ai khác có thể giúp mình diệt trừ bất tịnh (vô minh). Ngay cả chư Phật không thể giúp được; quý ngài chỉ có thể chỉ đường hướng dẫn; một người chỉ có thể chỉ đường và hướng dẫn; tự mỗi người phải nổ lực.
Kinh Pháp Cú chứa những viên ngọc văn chương tuyệt hảo, có nhiều ví dụ thích hợp và những chân lý phổ biến và như thế được tìm thấy bởi độc giả trên thế giới lời kêu gọi và mở mang trí tuệ. Kinh Pháp Cú phục vụ như bản tóm tắt những nguyên tắc và đặc tính tinh yếu của Phật pháp cũng như của trí tuệ trong tất cả mọi thời đại.
3. PHẬT TỰ THUYẾT – KINH UDĀNA
Udāna là lời cảm ứng thốt lên do cảm xúc mạnh đặc biệt nào đó. Tập này gồm tám mươi lời cảm hứng hoan hỷ do đức Phật thốt lên vào những trường hợp độc nhất vô nhị của niềm tịnh lạc hoàn mãn; mỗi lời cảm hứng bằng văn vần được ghi cùng với một bản văn xuôi mô tả hoàn cảnh đưa đẩy để Ngài thốt lên những lời đó.
Ví dụ, trong chương Bồ đề, bài kinh thứ nhất được ghi lại lời đầu tiên được đức Phật vừa mới chứng Chánh Đẳng Chánh Giác cảm hứng ngân lên trong ba khổ thơ đầu với lời mở đầu tuyệt vời:
‘Khi thực chất các pháp trở nên rõ
Đối với ẩn sĩ tinh cần hành thiền’.
Trong bảy ngày sau khi Ngài Giác ngộ. Đức Thế Tôn ngồi dưới bóng cây Bồ đề cảm nghe niềm tịnh lạc giải thoát. Vào cuối bảy ngày, Thế Tôn xuất định này (Phala samāpatti), cân nhắc đến lý Duyên Khởi: Khi cái này có thì cái kia có, vì cái này sanh nên cái kia sanh; khi cái này diệt, cái kia diệt.
Trong đêm canh thứ nhất, khi duyên của tập khởi khổ uẩn này được quán triệt đến từng chi tiết theo chiều thuận (sanh), Thế Tôn thốt lên khổ thơ thứ nhất tràn đầy niềm vui:
‘Khi thực chất các pháp trở nên rõ
Đối với ẩn sĩ tinh cần hành thiền,
Thì mọi nghi hoặc biến mất
Bởi vị ấy hiểu pháp cùng với nhân.’
Trong đêm canh thứ nhì, tâm Thế Tôn đang nghĩ đến lý Duyên Khởi theo chiều nghịch (diệt). Khi khổ diệt theo cách này được thấu hiểu hoàn toàn, Thế Tôn lại xúc động ngân lên khổ thơ thứ hai với lòng hân hoan.
‘Khi thực chất các pháp trở nên rõ
Đối với ẩn sĩ tinh cần hành thiền
Thì mọi nghi hoặc đều tiêu tan
Vì nhận thức sự diệt của nhân.’
Trong đêm canh thứ ba, đức Thế Tôn soát xét rất chi tiết công thức của lý duyên khởi Paticca Samuppada, trong cả hai cách sanh và diệt. Sau khi quán triệt rất thấu suốt học thuyết Duyên Khởi, đức Thế Tôn ngân lên lời tuyên bố long trọng:
“Khi bản chất thực của các pháp trở nên rõ. Đối với vị ẩn sĩ đang tinh cần hành thiền thì như mặt trời rạng soi bầu trời đen tối. Vị ấy dũng mãnh cự tuyệt đám quân Ma-Ra.”
4. KINH PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY (ITIVUTTAKA PĀḶI)
Cuốn thứ tư nầy gồm cả 112 bài kinh được chia thành bốn chương gồm cả văn vần lẫn văn xuôi, cái này bổ sung cái kia. Mặc dầu bản sưu tập này chứa những lời đầy hứng thú của đức Thế Tôn như trong Udāna. Mỗi đoạn đều có câu ‘Phật thuyết như vậy’ đi trước và đọc như sổ tay cá nhân trong đó được ghi chép lại những lời súc tích ngắn gọn của đức Thế Tôn.
Các chương (nipāta) biểu thị rằng bản sưu tập được liệt kê theo thứ tự pháp số như trong Tăng Chi Bộ Kinh. Như vậy Ekaka Nipāta là những đoạn đề cập đến một pháp: “Này chư tỳ khưu, tận diệt tham ái; Như Lai bảo đảm sẽ chứng ngộ bậc Bất Lai (Anāgāmī), nếu các con tận diệt tham ái”. Trong Duka Nipāta, mỗi đoạn đề cập đến hai pháp: Có hai loại Niết bàn – Niết bàn Hữu Dư (còn gọi là Phiền Não Niết bàn), vẫn còn ngũ uẩn và Niết bàn Vô Dư, không còn Ngũ uẩn.
5. KINH TẬP (SUTTANIPĀTA PĀḶI)
Cũng nổi tiếng như kinh Pháp Cú, Suttanipāta cũng là một tác phẩm văn vần thỉnh thoảng có đôi lời giới thiệu bằng văn xuôi. Nó được chia thành năm Phẩm (i) Phẩm Rắn gồm 12 kinh; (ii) Tiểu Phẩm: 14 kinh; (iii) Đại Phẩm:12 kinh; (iv) PhẩmTám:16 kinh và (v) Phẩm Trên Đường Đến Bờ Kia (Pārāyana): 16 câu hỏi.
Vài lời dạy quan trọng của đức Phật được tìm thấy trong 12 bài kinh của Phẩm Rắn, có thể được thực hành trong đời sống hằng ngày:
“Bạn chân chính đời nay khó tìm;
Rất thường có bạn giấu lợi riêng
Tâm người bị ô nhiễm vì tự lợi
Vậy, phá tan ảo mộng; đi lang thang
Cô đơn, như con tê ngưu một sừng.’
(Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng)
“Không do dòng tộc thành kẻ bần cùng
Chẳng do nòi giống thành Ba-la-môn
Duy do hành động mỗi người mà ra.
Bần cùng – sang cả – cũng do tâm này.’
(Kinh Kẻ Bần Cùng)
“Như mẹ giàu tình thương
Suốt đời luôn che chở
Đứa con một của mình
Hãy phát tâm vô lượng
Cùng tất cả sanh linh.” (Kinh Từ Bi)
Phẩm Trên Đường Đến Bờ Kia đề cập đến mười sáu câu hỏi do mười sáu thanh niên Bà-la-môn hỏi trong lúc Thế Tôn ngự tại điện Pāsānaka trong xứ Magadha. Thế Tôn trả lời từng câu hỏi cho nhóm thanh niên này. Biết ý nghĩa của mỗi câu hỏi và trả lời của Thế Tôn, nếu ai hành pháp như được chỉ dẫn trong kinh này, người đó có thể chắc chắn đến Bờ Kia – Niết bàn.
6. THIÊN CUNG SỰ KINH (VIMĀNA VATTHU PĀḶI)
Vimāna nghĩa là nhà lớn đẹp, cung điện. Ở đây chỉ cõi trời có được do chúng sanh đã làm thiện nghiệp. Có 85 bài kệ chia thành 7 chương trong văn bản này; trong bốn chương đầu, chư thiên nữ đã cho một bản tường trình về những thiện nghiệp họ đã làm trong những kiếp trước khi còn là con người và làm sao họ làm thế nào họ được tái sanh vào cõi trời nơi những thiên cung huy hoàng tráng lệ đang chờ họ xuất hiện. Chư thiên nam kể chuyện của họ trong ba chương cuối.
Đại đức Mahā Moggallāna. Có thể viếng cõi trời thuật lại cho Thế Tôn những câu chuyện mà chư thiên có liên hệ đã kể cho Ngài. Đức Phật khẳng định những sự tích này bằng cách cung cấp thêm chi tiết cho bối cảnh của những sự tích đó. Những bài kinh này cho thấy quan điểm rằng cõi người có rất nhiều cơ hội để thực hành thiện nghiệp. Những bài kinh này có mục đích là phủ nhận tà kiến của những ai tin rằng không có gì tồn tại sau đời này (Đoạn Kiến) và những ai duy trì niềm tin rằng không có hiệu quả gì đối với bất kỳ hành động nào.
Về sự tích được miêu tả, năm sự tích liên quan đến những người đã được tái sanh vào cõi trời do tu tập đến quả Nhập Lưu trong những kiếp trước, hai sự tích về những người dã chấp tay tôn kính đức Phật, một sự tích những người đã nói lời chúc mừng đến buổi lễ xây dựng Tăng viện; hai sự tích về những người đã vâng giữ giới luật trong sạch và bố thí vật thực và phần còn lại kể về những ai đã được sanh vào cõi trời như quả thiện nhờ chỉ bố thí vật thực.
Những bản tường trình sinh động về đời sống của chư thiên trong những cõi trời khác nhau nhằm chỉ rõ rằng những chúng sanh ở cõi cao hơn không phải là những người bất tử, cũng chẳng phải là những người bất tử, cũng chẳng phải những đấng sáng tạo, mà cũng bị tiến hóa, duyên theo những quả của thiện nghiệp đời trước; rằng chúng cũng phải chịu những quy luật của vô thường, khổ và vô ngã và phải tự nổ lực để đạt đến trạng thái bất tử – Niết bàn.
7. NGẠ QUỶ SỰ KINH (PETA VATTHU PĀḶI)
“Sự tích về ngạ quỷ” là bản tường trình sinh động về tình trạng khốn khổ của những chúng sanh bị đọa vào khổ cảnh như quả của ác nghiệp. Có 51 sự tích miêu tả đời sống khốn khổ của những người làm ác, trái hẳn đời sống xa hoa của chư thiên.
Nhằm nhấn mạnh lại hiệu quả ích lợi của bố thí; đố kỵ, ghen ghét, keo kiệt, tham lam và tà kiến chứng tỏ là nguyên nhân đọa vào khổ cảnh của loài ngạ quỷ. Cảnh khổ chính của cảnh này là chúng sanh bị án rất thiếu vật thực, áo quần và chỗ ở. Nếu thân quyến trước kia của người đó thực hành thiện nghiệp và chia phước đến người bất hạnh đó thì người ấy liền thoát khỏi khổ cảnh như thế. Trong Ngạ Quỷ Sự Tirokutta có bản tường trình đầy đủ chi tiết làm sao vua Bimbisāra làm vơi nỗi khổ ngạ quỷ của thân quyến trước kia của vua bằng cách dâng cúng vật thực, y phục và chỗ ở đến đức Thế Tôn và hội chúng Tỳ khưu, và chia phước đã tạo như vậy, đến ngạ quỷ – những người trước đây là thân bằng quyến thuộc của đức vua.
8. TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ VÀ TRƯỞNG LÃO NI KỆ
Hai cuốn này tạo thành một bộ sưu tập những bài kệ hân hoan mãn nguyện của chừng 264 vị Trưởng lão Tăng và 73 vị Trưởng lão Ni đã ngâm lên những bài này phát xuất từ nguồn cảm hứng và lòng tận tụy với đạo Pháp. Những bài kệ cảm hứng này tuôn phát ra từ trong tâm của chư vị Tỳ khưu Tăng – Ni sau khi đạt A-la-hán quả như là lời tuyên bố sự thành đạt của quý Ngài và cũng là tự sự nổ lực của quý ngài để dẫn đến giác ngộ cuối cùng.
Chúng ta có thể học từ những bài kệ hân hoan này, làm sao từ những sự kiện vặt vảnh trong đời sống, tình huống tầm thường có thể trở thành điểm xuất phát cho nổ lực tinh thần lên đến đỉnh cao là giải thoát tuyệt đối. Nhưng đối với vài vị trưởng lão tăng, tiếng gọi đó đã đến sớm với quý ngài, để từ bỏ đời sống gia đình và sống đời vô gia đình. Cuộc chiến đấu nội tâm gian khổ giữa hai lực lượng thiện ác. Quý Ngài đã chiến thắng nhờ quyết tâm và kiên định. Những thằng thúc tham, sân và si đã dứt lìa tan nát cả và quý ngài đã giải thoát. Trong lúc hân hoan toại nguyện, quý ngài đã ngâm lên những bài kệ hứng thú này để tuyên bố tự do và chiến thắng ba đám ma quân này. Vài vị Trưởng lão Tăng có những bài kệ đạt đến đỉnh cao của thơ ca khi họ kể lại đời sống độc cư an tịnh trong rừng thanh vắng, thiên nhiên xanh tươi cùng với môi trường thanh bình và trầm lắng thuận duyên cho việc hành thiền của quý ngài.
Mặc dầu những bài thơ trong Trưởng Lão Ni Kệ không xuất sắc nên thơ bằng Trưởng Lão Tăng Kệ trong việc diễn đạt sôi nổi tình yêu đời sống độc cư. Tuy nhiên, chúng cũng phản ảnh lòng kính yêu vô hạn và quyết tâm không sờn của Trưởng lão Ni đã phấn đấu đạt đến mục tiêu cuối cùng. Một điểm đặc trưng trong cuộc đấu tranh của Trưởng lão Ni là rằng nhiều vị trong số họ nhận động lực cuối cùng tìm khuây khỏa trong đời sống phạm hạnh từ sự mất quân bình về tình cảm mà họ đã cam chịu, ví dụ, mất những người thương yêu như trong trường hợp Patācārī, hay vì nỗi khổ vô cùng về cái chết của đứa con yêu như Kisā Gotami đã trải qua.
Cả hai Trưởng lão Tăng và Trưởng lão Ni Kệ cung cấp cho chúng ta những mẫu chuyện tuyệt vời cảm hứng và sáng ngời, đầy cảm thông, quá thăng hoa, đầy nhân tính và trung thực đối với đời sống, dẫn chúng ta đi trên con đường phạm hạnh làm hưng phấn khi tâm ta buồn nản, dẫn dắt ta vượt qua những xung đột và cản trở nội tâm.
Những bài kệ này có thể thưởng thức đơn giản như những bài thơ có sức tưởng tượng tuyệt vời và lời thơ ý vị hay chúng có thể quan niệm như những thông điệp cảm hứng có ý nghĩa sâu sắc để nâng cao tâm hồn đến những mức độ cao nhất của sự thành tựu tâm linh.
“Lạy Trời mưa xuống!
Nhà con giờ có mái che
Cho con sống bình an và thoải mái
Chở che con khỏi mưa bão đầu mùa.
Lạy Trời mưa xuống!
Mưa trút xuống mảnh đất tâm người
Tâm con giờ lặng yên và bất động
Bao xiềng xích tham sân si giờ đã lìa tan
Nhiệt tâm tinh cần, tâm bất thối chuyển
Lạy Trời mưa xuống!
Hãy trút xuống cho mảnh đất tâm người.”
(Bài kệ 325)
Vị Tỳ khưu giờ đã có ‘nhà ngũ uẩn’ được ‘mái và tường’ của thu thúc lục căn và trí tuệ che chở, phòng hộ kỹ. Như vậy vị ấy sống thoải mái, được hộ trì kỹ khỏi mưa bão của tham ái và dính mắc. Không bị quấy rầy bởi mưa sân hận, vô minh trút xuống và gió ngã mạn quay cuồng, vị ấy vẫn lặng yên trầm tĩnh, vô nhiễm. Mặc dầu vị ấy sống bình an tự tại và giải thoát như vậy, vị ấy vẫn chánh niệm tỉnh giác, luôn sẵn sàng ứng xử với sự khẩn cấp nào có thể phát sanh do thiếu chánh niệm.
9. SỰ TÍCH TIỀN THÂN CỦA ĐỨC PHẬT (JĀTAKA PĀḶI)
Có nhiều sự tích về những kiếp trước của đức Phật Gotama, trong khi ngài chưa thành Phật vẫn còn là Bồ tát. Jātaka là một tác phẩm văn vần lớn về số lượng gồm 547 sự tích hay tiền kiếp được đức Phật kể lại, (thường tham khảo trong các chương (nipāta) theo số của bài kệ liên quan đến mỗi sự tích, những sự tích có một bài kệ được xếp loại Ekaka Nipāta v.v… Chính Chú Giải căn cứ vào các loại kệ đã ghi lại hoàn tất sự tích tiền thân.
Trong những sự tích tiền thân này in sâu những nguyên tắc đạo đức và các pháp hành mà bồ tát đã ứng dụng để tự phát triển và hoàn thiện hầu viên thành quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác.
10. NIDDESA PĀḶI
Cuốn này trong tập hợp bộ kinh gồm hai phần: Mahā Nidesa, phần trình bày chính, theo chú giải thuộc chương thứ tư (Atthaka) của Sutta Nipāta và Culla Nidesa, phần trình bày phụ, theo chú giải thuộc chương thứ năm (Pārayana) và về những bài kinh Khaggavisāna ở chương đầu tiên. Những tác phẩm bình luận nầy được quy cho đại đức Sāriputta gồm nhiều dữ liệu về Vi Diệu Pháp và tạo thành dạng sớm nhất của chú giải, cung cấp nhiều bằng chứng cho truyền thống chú giải nhiều thế kỷ trước khi đại đức Buddhaghosa (Phật Âm) xuất hiện trên văn chương Phật giáo.
11. PHÂN TÍCH ĐẠO (PATISAMBHIDA MAGGA PĀḶI)
Luận thuyết này, có tựa là Phân Tích Đạo, được quy cho đại đức Sāriputta. Đề cập có tính phân tích những giáo lý nổi bật của đức Phật, được chia thành ba phẩm chính, đó là Đại Phẩm, Yuganaddha Phẩm và Tuệ Phẩm. Mỗi phẩm gồm 10 nhóm phụ, gọi là Kathā, chẳng hạn Trí Kathā, Kiến Kathā v.v…
Cách lý giải mỗi chủ đề rất chi tiết và cung cấp nền tảng lý thuyết rõ ràng cho pháp hành trên con đường giải thoát.
12. APADĀNA PĀLI
Là tác phẩm sử học về sự tích cuộc đời đức Phật (quá khứ và hiện tại) và các đệ tử A-la-hán của Thế Tôn. Nó được chia thành hai phần: Therāpadāna cung cấp sự tích cuộc đời đức Phật, về 41 vị Độc Giác Phật và về 559 vị A-la-hán từ đại đức Sāriputta đến đại đức Ratthapāla; và Therīpadāna có sự tích cuộc đời của 40 vị A-la-hán trưởng lão ni từ Trưởng lão ni Sumedhā đến Trưởng lão ni Pesalā.
13. PHẬT SỬ (BUDDHAVAMSA PĀLI)
Phật sử là một bản tường trình ngắn về lịch sử đức Phật Gotama và về 24 vị Phật trước kia đã thọ ký cho ngài viên thành Chánh Quả Vị Phật – Chánh Đẳng Chánh Giác. Cuốn này gồm 29 phần bằng văn vần.
Phần đầu tiên là bản tường trình về cách đại đức Sāriputta hỏi đức Phật vào lúc ngài mới lần đầu tiên quyết định phục vụ nhằm Viên Thành Quả Vị Chánh Đẳng Chánh Giác và những ba la mật gì ngài phải thực hiện để hoàn thành mục đích Toàn Giác. Trong phần thứ hai, đức Phật miêu tả cách đức Phật Dīpankara gây cảm hứng cho ngài khi ngài còn là ẩn sĩ Sumedha và ngài phát nguyện thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, và cách đức Phật Dīpankara ban phước cho ẩn sĩ Sumeddha sẽ thành Phật hiệu là Gotama sau quãng thời gian là bốn A tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.
Từ đó trở đi, Bồ tát Sumedha tiếp tục thực hành mười ba la mật, đó là bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ và xả. Đức Phật liên hệ cách ngài thực hành mười ba la mật này, từ kiếp này qua kiếp khác, và cách trong mỗi trong hai mươi bốn vị Phật, xuất hiện sau Phật Dīpankara vào những khoảng giữa của mỗi đại kiếp, tiên đoán lại rằng ngài sẽ thành Phật có danh hiệu là Gotama.
Trong phần từ ba đến hai mươi bảy là những bản tường trình về hai mươi lăm vị Phật kể cả Phật Gotama, giới thiệu chi tiết về mỗi vị Phật có liên quan đến nơi sinh, địa vị, danh tánh của phụ mẫu, danh tánh hiền thê và hiếu tử, tuổi thọ, cách xuất gia, thời kỳ nổ lực để thành quả vị Phật, giáo lý của kinh Chuyển Pháp Luân tại rừng Migadāya, danh tánh các vị Đại Đệ Tử và những đệ tử cư sĩ chính của chư Phật. Mỗi phần được khép lại với bản tường trình về nơi chư Phật nhập diệt và cách xá lợi của chư Phật được phân chia và thờ phụng.
Trong phần thứ hai mươi tám là danh tánh của ba vị Phật, đó là:Tanhankara, Medhankara và Saranankara sống trước đức Phật Dipankara vào khoảng cách khác nhau của cùng một đại kiếp. Danh tánh của chư vị Phật khác (cho đến Phật Gotama) cũng được liệt kê cùng với tên của đại kiếp trong đó chư Phật xuất hiện trên đời sau Phật Gotama.
Phần cuối tường trình cách xá lợi của Phật được phân chia và nơi chúng được tôn thờ và bảo quản.
14. HẠNH TẠNG (CARIYĀ PITAKA)
Tạng này có ba mươi lăm sự tích về tiền thân của đức Phật được kể lại theo lời thỉnh cầu của đại đức Sāriputta. Trong lúc Jātaka liên quan đến tiền thân của đức Phật từ thời ẩn sĩ Sumedha, đến khi thành Phật Gotama, Hạnh Tạng chỉ nhắc đến ba mươi lăm tiền thân của Bồ tát trong đại kiếp cuối này.
Vị bồ tát này xuyên suốt vô số thời đại đã hoàn thành mười ba la mật trong thời gian dài không thể đếm được, Hạnh Tạng tường thuật lại những hoàn thành như thế trong ba mươi lăm kiếp, chọn ra bảy trong mười Ba la mật và kể lại mỗi ba la mật được hoàn thành như thế nào trong mỗi của những kiếp này. Mười sự tích trong phẩm đầu tiên liên quan đến việc tích lũy những đức tính trong bố thí vật thực, phẩm thứ hai có mười sự tích liên quan đến xuất gia ba la mật, một sự tích: Quyết định ba la mật, sáu sự tích: Chân thật ba la mật, hai sự tích: Từ tâm ba la mật và một là Xả ba la mật.
15. NETTI VÀ PETAKOSADESA
Hai tác phẩm nhỏ, Netti, có bảy chương, và Petakopadesa, có tám chương. Khác xa những cuốn trong Tam Tạng Kinh Điển bởi vì bản chất chúng thuộc thể loại bình luận và có phương pháp hệ.
16. MI TIÊN VẤN ĐÁP (MILINDAPAÑHĀ PĀLI)
Mi Tiên Vấn Đáp là cuốn cuối tạo thành Hỗn Hợp Bộ Kinh. Sách tường thuật những câu hỏi của vua Milinda và những câu trả lời của đại đức Nagasena khoảng 500 năm sau đức Phật Niết bàn, vua Milinda là nhà cai trị Yonaka (Hy Lạp) của xứ Sāgala. Vua là người rất uyên bác và rất khôn khéo trong thuật tranh luận. Đại đức Nagasena, vị A-la-hán tròn đủ Tứ Vô Ngại Giải, trong chuyến viếng thăm xứ Sāgala theo lời thỉnh cầu của Tăng đoàn.
Vua Milinda, người muốn được sáng tỏ vài điểm về Pháp, hỏi đại đức Nāgasena những câu hỏi khó hiểu liên quan đến bản chất con người, sự tồn tại của con người sau khi chết, và những phương diện học thuyết khác của Pháp. Đại đức Nāgasena đã cho vua những câu trả lời rất thỏa mãn về mỗi vấn đề được hỏi. Những câu hỏi và trả lời uyên bác về giáo Pháp của đức Phật được biên thành cuốn sách có tên là Mi Tiên Vấn Đáp.