Cố Hoà thượng viện chủ chùa Giác Phong (thôn Chánh Lý, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) thế danh Phan Cảnh, sinh năm 1947, tại thôn Phụ Ngọc, xã Nhơn Phúc, Tx. An Nhơn, tỉnh Bình Định, bẩm chất thông minh, sở học quảng bác, lại cần mẫn chịu khó, kính trọng các tôn sư hết mực. Cuộc đời tu học và phụng sự của ngài được đúc kết qua hai giai đoạn sau:
I. Từ năm 1954 đến năm 1975
Vào năm 1954, lúc tròn 8 tuổi, ngài đã có duyên lành với Phật pháp, phát Bồ Đề tâm, xuất gia học đạo với hòa thượng Bổn sư thượng Thị hạ Thường, hiệu Chánh Nguyên tại chùa Liên Trì (Khu vực Phương Danh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Thuở hành điệu, dốc chí kinh điển, miệt mài sách vở, thuộc làu văn chương.
Đến năm 1958, khoản 4 năm sau khi xuất gia rèn luyện, lúc này gặp nhân duyên tốt, Phật học viện Nguyên Thiều khai mở khóa đầu tiên, Hòa thượng Bổn sư đã cho thầy theo học đến năm 1963.
Thế rồi, những năm 1966 – 1968, khi việc học tại quê nhà bị gián đoạn do chiến sự liên miên, thầy đã cất bước viễn phương cầu học Phật tại Phật học viện Huệ Nghiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) với nhiều bậc tôn túc như cố Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Huyền Quang, v.v…
Đến năm 1968, chùa Liên Trì bị chiến tranh làm hư hoại, Hòa thượng Thích Đồng Thiện (trụ trì Tu viện Nguyên Thiều) là pháp huynh, khuyên ngài về lại chùa Liên Trì để phụng dưỡng thầy tổ. Cùng năm này, sau khi trở về quê hương, ngài đã được thọ Tam đàn Cụ túc giới tại tổ đình Long Khánh (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Cuối năm 1968, ngài trùng tu chùa Liên Trì đến năm 1969 thì tạm ổn. Năm 1970 Hòa thượng Thích Kế Châu – Giám viện Phật học viện Phước Huệ tại tổ đình Thập Tháp đã đặt cách ngài làm Quản chúng – kiêm Giáo thọ giảng dạy Tăng chúng. Ngài từng là người trợ giúp đắc lực cho Hòa thượng Kế Châu trong Phật sự khi tuổi đời còn khá trẻ.
II. Từ năm 1975 đến nay
Đến năm 1975, sau khi giải phóng đất nước, ngài được Hòa thượng Như Từ Tâm Đạt và thầy Bổn sư Chánh Nguyên chỉ định trạch cử tiếp nối trụ trì chùa Giác Phong. Vì điều kiện khó khăn của ngôi chùa thời ấy, ngài đã trải qua nhiều gian nan, trở ngại, vất vả trong cuộc đời phụng sự nhưng vẫn cố gắng giữ gìn duy trì sự tồn tại chùa Giác Phong qua bao nhiêu biến cố thăng trầm.
Qua thời gian trụ trì từ 1975 đến 2019 ngót 45 năm, ngài đã nhiều lần phải xây dựng lại ngôi già lam Giác Phong do chùa cũ lâu năm, dễ xiêu quẹo sụp đổ, mỗi mùa mưa bão là mỗi tháng ngày âu lo. Có được sự trợ duyên nào từ Phật tử, ngài đều dành hết để mua sắm đồ thờ, bàn ghế và xây thêm Đông đường, Tây đường, Hậu Tổ, khu bếp, v.v… trong khả năng tốt nhất có thể.
Thuở nhỏ, ngài thường theo hầu Hòa thượng sư ông Thích Tâm Đạt, nên được học nhiều pháp phương tiện cứu độ đối với các khổ bệnh của bà con, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh đau thương của người dân trong thôn xóm và mọi nơi.
Với sở học rộng, kiến thức uyên thâm, ngài mở đạo tràng Bát quan trai hướng dẫn Phật tử tu tập tại Giác Phong, đồng thời thường tham gia giảng dạy các khóa tu tại Tổ đình Thiên Bình, chùa Chi Hội An Nhơn (chùa Thiên An ngày nay), chùa Giác Hoàng, v.v… Cho đến những năm gần đây, tuổi cao sức yếu nhưng ngài thường xuyên đi giảng dạy các khóa tu học dài ngày tại chùa Bác Ái (tỉnh Kontum), Chùa Bửu Quang (tỉnh Gia Lai)
Sau năm 2010, tuổi đời tiệm cận “thất thập cổ lai hi”, lại biết trong người có trọng bệnh, nghĩ đến vô thường mãn duyên nên tâm nguyện lớn nhất của ngài là tìm được người kế thế trụ trì để phát triển Giác Phong trước khi về Phật quốc. Được như vậy thì ngài mới an tâm hoàn thành trách nhiệm với Sư ông Như Từ – Tâm Đạt và Hòa thượng Bổn sư Chánh Nguyên giao phó. Đến năm 2020, sau thời gian phát nguyện và đợi chờ, cuối cùng ngài cũng được mãn nguyện và giao lại tuyệt đối mọi Phật sự cho Pháp đệ là Đại đức Thích Đồng Lực, đệ tử Hòa thượng huý thượng Thị hạ Trình – tự Hạnh Chơn – hiệu Ngộ Khải, cố viện chủ Chùa Thiên An.
Kể từ đó, ngài ngày ngày an nhàn tịnh dưỡng, tối tối hai thời kệ chuông. Dù đến nay, sự tuổi 75 đã cao, nhưng không đêm nào ngài bỏ việc đóng chuông niệm Phật.
Ngày 15 tháng 4 năm 2023 vừa qua, biết thân tứ đại suy nhược, ngài đã tự thấy thời khắc gần đến, nên tự tay viết lại đôi dòng tiểu sử của chính mình và giao lại cho môn nhân pháp quyến với lời căn dặn kỹ lưỡng về mọi việc tang sự.
Ngày 24 tháng 7 năm 2023 vừa qua (nhằm ngày mồng 7 tháng 6 âm lịch), vào lúc 13 giờ 20 phút ngài đã chọn thời khắc này nhẹ nhàng từ biệt Tăng chúng và môn nhơn hiếu quyến. Kết thúc một lộ trình 77 năm trụ thế, Hạ lạp 56 năm phụng sự Đạo pháp, lợi lạc chúng sinh.
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TAM THẾ, LIÊN TRÌ MÔN HẠ, GIÁC PHONG ĐƯỜNG THƯỢNG, HUÝ THƯỢNG ĐỒNG HẠ GIÁC HIỆU THÀNH ĐẠT TÂN VIÊN TỊCH GIÁC LINH