Lịch Sử Chùa Long Hoa
Chùa Long Hoa tọa lạc tại số 48 đường Nguyễn An Ninh, Khu phố Dương Liễu Tây, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Nơi đây, vào những thập niên 60 của thế kỷ 20, trong lúc chiến tranh khốc liệt trước những trận càn mưa bom bão đạn. Muốn có một nơi thờ Phật, tụng kinh lễ sám, và cũng làm chỗ dựa tâm linh. Năm 1960 (Canh Tý) – Phật lịch 2504, Phật tử Nguyễn Thị Sa – Pháp danh Đồng Sô phát tâm hiến cúng phần đất hương hoả (thường gọi là đất chồi) của gia đình để thành lập chùa đồng thời cũng để trí tự hương linh cha chồng Phùng Liễu, cha ruột Nguyễn Đáng. Sáng lập chùa lúc bấy giờ là hội viên có 15 vị Phật tử, huynh trưởng gia đình Phật tử đứng ra vận động kinh phí xây dựng tạo lập ngôi chùa Khuôn hội Phật Giáo Mỹ Lợi tọa lạc trên đồi Gò Quạ thôn Dương Liễu, xã Mỹ Lợi (nay là thị trấn Bình dương). Chùa được giao cho một hội viên đồng sáng lập là Phùng Khắc Loan – Pháp danh Đồng Trình (sau này thường gọi là Thầy Đồng Trình) trông coi hương hoả kinh kệ. Sau khi chùa được thành lập, Phật tử Trần Thị Thuận – Pháp danh Tâm Thả hiến cúng thêm phần đất của mình đề mở rộng diện tích chùa và hai sào ruộng để ổn định đời sống và hương hoả thường nhật (phần đất này năm 1984 Chính quyền xã Mỹ Lợi đã lấy để quy hoạch chợ Bình Dương, hai sào ruộng sau khi mở rộng đường nông thôn nay còn hơn 1 sào ở thôn Tân Lộc xã Mỹ Lộc – mộ phần Tâm Thả cải táng tại nghĩa trang nhân dân Thị trấn Bình Dương).
Trải qua chiến tranh khốc liệt đến ngày thống nhất đất nước, Khuôn hội Phật Giáo Mỹ Lợi cũng xuống cấp hư dột. Năm 1984 (Giáp Tý), Thầy Đồng Trình và Ban Hộ tự đã trùng tu lại chùa. Ngày mùng 4 tháng 11 năm 1990 (Canh Ngọ) thầy Đồng Trình đến Tổ đình Thập Tháp xin hiệu chùa Khuôn hội Phật Giáo Mỹ Lợi được Hoà thượng Thích Kế Châu – Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Nghĩa Bình lúc đó đặt hiệu Long Hoa Tự. Sau đó, Thầy Đồng Trình vì tuổi cao sức yếu không có đệ tử nên đã giao chùa lại cho Ban Hộ tự tiếp quản, an dưỡng tuổi già và viên tịch vào ngày 23 tháng 7 năm 1998 (Mậu Dần) tại nhà từ đường họ Phùng. Ban hộ tự Long Hoa Tự, Trưởng ban Huỳnh Mạnh, các phó ban; Đỗ Công Bằng – Pháp danh Vạn Hữu, Trần Minh Châu – Pháp danh Vạn Ngọc cùng với bổn đạo Phật tử vận động trùng tu ngôi chính điện vào năm 1995 (Ất Hợi). Sau khi ngôi chính điện trùng tu hoàn thành, năm 1997 ( Đinh Sửu) Ban hộ tự mời thầy Nhựt Chơn (nguyên là Đại Đức hoàn tục) về chăm lo hương hoả. Năm 1999 (Kỷ Mão) tiếp tục trùng tu Tổ đường. Vì tuổi già sức yếu thầy Nhựt Chơn đã viên tịch ngày mùng 1 tháng 4 năm 2001 (Tân Tỵ) mộ phần được cải táng về đất hương hoả dòng họ.
Năm 2002 (Nhâm Ngọ), Thượng Toạ Thích Viên Chơn- Tăng thường trú tổ đình Thập Tháp về kế thừa ngôi tự viện. Vì thời gian này còn đang theo học tại Sài Gòn nên đến cuối năm 2005 (Ất Dậu), Thượng Toạ Thích Viên Chơn mới chính thức về chùa chăm lo Phật sự. Ngày 9/10/2008 (Mậu Tý), Thượng Toạ được Ban trị Sự GHPGVN Tỉnh Bình Định ra quyết định số 153/QĐ/BTS bổ nhiệm Trú trì chùa Long Hoa.
Trải qua mấy lớp phế hưng, qua bao mưa nắng dãi dầu cùng tuế nguyệt, Long Hoa tự đã rêu phong hư hỏng dột nát, lại thêm Phật tử ngày càng đông, nơi lễ bái không đủ chỗ cho người quy ngưỡng. Ngày 26 tháng 8 năm Giáp Ngọ (Nhằm ngày 19/09/2014), Chùa Long Hoa trang nghiêm tổ chức lễ Đặt đá trùng tu tái thiết và rót đồng đúc Đại Hồng Chung (trọng lượng 1.000kg do gia đình Phật tử Nguyễn Thanh Cường PD Hữu Lực – Nguyễn Thị Lệ PD Nguyên Hảo và gia đình hỷ cúng, cơ sở đúc đồng Nghĩa – Bà rịa Vũng tàu thực hiện). Sau đó tiến hành xây dựng nhà trù làm nơi thờ tạm.
Đầu năm 2016 (Bính Thân) chùa chính thức triệt hạ xây dựng các phần móng. Năm 2017 (Đinh Dậu) sau khi hoàn thành các phần móng nhưng tiếc thay việc thi công phải dang dở vì hết kinh phí và dừng việc xây dựng một năm.
Năm 2018 (Mậu Tuất) công trình trùng tu tái thiết tiếp tục thi công, ngôi chánh điện bắt đầu xây dựng.
Ngày mùng 10/3/Canh Tý (nhằm ngày 02/04/2020) chùa làm lễ Thượng lương. Ngày 11/3/Canh Tý (nhằm ngày 03/04/2020) tiến hành đổ bê tông hai mê nóc ngôi Chánh điện.
Ngày Rằm/10/Canh Tý (nhằm ngày 29/11/2020) ký hợp đồng Đúc Tượng với cơ sở sản xuất đúc đồng Lộc Thắng – Thị trấn Lâm, Ý Yên Nam định. Đúc ba pho tượng Tam Thế Phật bằng đồng đỏ. Ngày 19/2/Tân Sửu (nhằm ngày 31/03/2021) Lễ cầu nguyện rót đồng tượng Tam Thế Phật tại cơ sở sản xuất đúc đồng Lộc Thắng – Ý Yên, Nam Định thực hiện. Ba pho tượng do 2 cư sĩ Diệu Trí – Tô Thị Thức, Diệu Bảo – Nhan Tú Trân và Gia đình con cháu hỷ cúng.
Đến đây, các hạng mục đã thực hiện:
-Trai đường hiện làm Chánh điện tạm,
-Tây đường đã xong phần xây thô, lợp ngói.
-Chánh điện 2 tầng đang thi công hoàn thiện.
-Nền móng Tổ đường và Đông đường.
Thời điểm toàn xã hội trong đợt cao điểm chống đại dịch Covid-19 (2019). Đã bao lần giãn cách xã hội, đã hai mùa hạ trôi qua, hai mùa mưa lũ giông bão dập vùi tan tác. Công trình xây dựng chùa Long Hoa tự, thầy trò, anh em thợ vẫn khép mình sau những đường dây giăng giãn cách, đóng cổng Tam quan miệt mài lao động, dầm dãi tháng ngày man mác gió sương, rau chợ Bình dương ngày nào cũng có, trăng giữa tháng sáng quanh năm, cơm có bữa nhão nữa khê, thức ăn có lúc mặn lúc nhạt. Công trình xây dựng vẫn còn dang dở, những hạng mục dần hoàn thiện là niềm vui và hạnh phúc trộn lẫn chờ mong.
Cuối năm 2021 (Tân Sửu) hoàn thành hạng mục ngôi Chánh điện. Ngày 23/11/Tân Sửu (nhằm ngày 26/12/2021), Thượng Toạ trú trì đã rước Phật, cung thỉnh tôn tượng Tam Thế Phật (Quá khứ, Hiện tại, Vị lai) an trí trong Chánh điện mới. Sáng ngày mùng 8/Chạp/Tân Sửu (nhằm ngày 10/01/2022) chùa đã trang nghiêm cử hành lễ an vị tôn tượng Tam Thế. Theo đó, mỗi pho tượng cao 2,5m tính từ chân đài sen lên tới đỉnh đầu; ngang vai 0,87m, ngang đùi 1,55m, đài sen đường kính 1,96m cao 0,7m, trọng lượng một pho tượng : 2.300kg đúc bằng đồng đỏ. Ba tấm hào quang bằng đồng thúc cao 2,5m lên màu nâu đen cổ kính. (Sau này có điều kiện sẽ thếp vàng 24k). Do cơ sở sản xuất đúc đồng Lộc Thắng (Dương Xuân Thắng), thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định thực hiện.
Sau đó, chùa tiếp tục xây dựng cổng Tam quan. Mỗi ngày từng lớp đá được xây lên kết thành bao tài vật của Đàn na Thí chủ, mồ hôi công sức và sự kham nhẫn của Thầy của thợ. Đây là mẫu xây đựng bằng đá Tím Phù Cát rất lạ đầu tiên ở Bình Định.
Sau tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022), chùa tiếp tục xây dựng đài Quan âm, chỉnh trang khuôn viên và tiếp tục hoàn thiện cổng Tam quan còn đang dang dở. Khuôn viên đượng đài Quan Thế Âm dù chưa hoàn thành nhưng với tâm thành kính cúng dường ngày thánh đản Bồ tát Quán Âm. Vào tối Tối ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Dần (nhằm ngày 04/03/2022), Chùa Long Hoa trang nghiêm tổ chức nội bộ Lễ An Vị tôn tượng Bồ Tát. Bảo tượng Quan Thế Âm được tôn trí trên bảo toà sen trong hồ bán nguyệt, tượng cao 3,7m nặng hơn 6 tấn bằng đá trắng non nước Đà nẵng nguyên khối.
Cho đến hôm nay, công trình trùng tu chùa Long Hoa còn dang dở, nhiều hạng mục chưa hoàn thành, sắt thép còn trơ trọi dưới nắng mưa trời Bình Định.
Trước Phật sự to lớn và hy hữu này, chúng con thành tâm bái thỉnh Quý chư Tôn Đức gia tâm chú nguyện, chúng tôi tha thiết kêu gọi chư Thiện tín Phật tử, các nhà hảo tâm xa gần góp phần công đức gieo duyên hùn phước cúng dường để Phật sự đại trùng tu tái thiết chùa Long Hoa được thành tựu tốt đẹp.
Nguyện cầu mười phương chư Phật, Thiên long bát bộ, chư vị Thiện thần gia hộ cho Phật sự này sớm thành tựu viên mãn.
Kính chúc Chư Tôn đức Tăng Ni, chư Thiện tín Phật tử, các nhà hảo tâm vô lượng an lạc, cát tường như ý.
NAM MÔ CHIÊN ĐÀN CÔNG ĐỨC PHẬT
PL.2566, Long Hoa ngày hạ Nguyên năm Nhâm Dần
Trụ trì Bí sô NHƯ THUẬN – THÍCH VIÊN CHƠN
Lịch sử đã đi qua, hiện tại là diện mạo của chùa Long Hoa, từng hạng mục đang dần được hình thành. Kính gởi đến chư tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử những thước ảnh trong suốt quá trình đại trùng tu ngôi chùa Long Hoa.