Phần I
KHỞI NGUYÊN SÁNG TẠO
Trên đường quốc lộ 1, qua khỏi thị trấn Đập Đá đến địa phận thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, nhìn về hướng mặt trời lặn, phía Bắc tháp Cánh Tiên. Trên khu rừng rợp bóng cây có một ngôi chùa cổ kính, nguy nga xoay mặt về động. Đó là chùa THẬP THÁP.
Chùa Thập Tháp nói đủ là THẬP THÁP DI ĐÀ, sở dĩ quen gọi là Thập Tháp vì nơi đây xưa kia là xứ Chiêm Đô.
Nơi chùa tọa lạc là một khu đồi cao có 10 ngôi tháp Chiêm, qua thời gian đã bị hoang tàn đổ nát. Khu đồi này được mang tên là “Long Bích” cũng gọi là đồi Thập Tháp hay gò Thập Tháp. Đó là nhắc nhở sự hiện diện của mười ngôi tháp Chiêm ngày xưa vậy.
Các Vua Chiêm không phải chỉ dựng thành đóng đô mà còn xây tháp miếu khắp nơi để thờ phụng. Tháp Cánh Tiên ở nội thành Đồ Bàn và rải rác ở tỉnh Bình Định cũng có nhiều tháp khác. Ngay trên đồi Long Bích có mười ngôi tháp Chiêm, tên tuổi mãi được gắn liền với chùa Thập Tháp. Khi Tổ sư Nguyên Thiều trác tích tại đây thì dấu tích 10 ngôi này vẫn còn.
Chùa nằm gối lên đồi Long Bích, xoay lưng với gò Thập Tháp. Tiền diện hướng về động, xa xa có ngọn Mạ Thiên Sơn quanh năm mây phủ. Hòa Thượng Bích Liên có đề câu đối trước cổng chùa:
Nguyên văn: Phiên âm:
月下不敵金鑽断 Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn,
山前只任白雲封 Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong.
Dịch nghĩa:
Mây trắng lững lờ vườn núi biếc,
Khóa vàng buông mở dưới trăng trong.
(Viên Đạt)
Bên phải của chùa là thành Đồ Bàn, dấu tích của các vua Chiêm oai hùng. Theo “Đồ Bàn Thành Ký” của Nguyễn Văn Hiển: “Chiêm Thành lập quốc vào đời nhà Hán, mất nước từ đời chúa Nguyễn, quốc hiệu bốn lần thay đổi. Nhưng Đồ Bàn là Quốc độ của nước Chiêm Thành, xưa gọi là nước Đồ Bàn.
Thành Đồ Bàn được dựng lên từ thời nhà Tống (đương thời nước ta là Tiền Lê), thành Đồ Bàn cũng như các thành khác của nước Chiêm Thành, nhưng tên tuổi được nổi bật hơn cả, vì thành này ở trung tâm Chiêm quốc và cộng vào những nguyên nhân: Thời Đại – Nhân vật – Địa thế” (xem ĐỒ BÀN THÀNH KÝ của Nguyễn Văn Hiến).
Thành này cũng từng là kinh đô của Nguyễn Nhạc. Năm 1776, Nguyễn Nhạc sửa sang lại, năm 1778 xưng đế hiệu, lấy niên hiệu là Thái Đức, thành Đồ Bàn đổi tên là Hoàng Đế Thành. Nay còn lại ngôi tháp Cánh Tiên sừng sững giữa trời xanh như nuối tiếc một dĩ vãng vàng son oanh liệt. Dấu vết còn lại của thành, nay chỉ là con đường rộng đi vào chùa vì đã bị lấy hết lớp đất đá trước năm 1960.
Bên trái chùa là con suối Bàn Khê xuất phát từ sông La Vĩ, chảy sau lưng chùa trườn mình về trước mặt rồi xuôi thẳng về Đông, ngang qua quốc lộ 1A bởi cầu Vạn Thuận, tục gọi là “Cầu Chùa”.
Hòa Thượng Kế Châu có bài thi rằng:
Nguyên văn:
龍 壁 山 秋 月
蟠 溪 水 春 天
萬 古 風 光 在
何 勞 覓 那 邊
Phiên âm:
Long Bích sơn thu nguyệt,
Bàn Khê thủy xuân thiên.
Vạn cổ phong quang tại,
Hà lao mích ná biên.
Dịch nghĩa:
Trăng thu Long Bích sáng ngời,
Bàn Khê nước chảy xuân trời vô biên.
Phong quang muôn thuở y nguyên,
Tìm chi bên ấy đảo điên nhọc lòng.
(Viên Đạt)
Phong cảnh như vậy, núi sông như vậy, nét phong quang của Thập tháp như vậy, vẫn luôn luôn giữ mãi “Trăng Long Bích sáng ngời” cho đến bây giờ.
Vùng đất của khu đồi này, theo truyền thuyết: Xưa kia có một thầy địa lý Trung Hoa tài ba, trên đường du tầm địa cuộc, bảo rằng: Với cảnh trí núi sông này chắc chắn phát sinh ra “Sinh khí” tức là nơi đây đời đời phát xuất ra những bậc “Sư tượng” trong nước. Đặc biệt, gần đây Quốc sư Phước Huệ đã tung rải đạo màu từ cung vua cho đến dân chúng. Môn đồ của Ngài là những bậc “kỳ vỹ” trong Giáo hội.
Đời Lê Huyền Tôn III, niên hiệu Cảnh Trị, Ất Tỵ thứ 17 chúa Nguyễn Phúc Tần (1665), Tổ Sư Nguyên Thiều, người Trung Hoa trên đường vân du qua Việt Nam, đã nhìn thấy cảnh núi sông thanh tú nơi đây, nên Ngài trải tọa cụ dựng chùa Thập Tháp làm cơ sở hoằng đạo lâu dài cho tứ chúng. Chùa Thập Tháp qua nhiều thế kỷ vẫn giữ vẻ uy nghiêm cổ kính bởi nét phong quang màu nhiệm tự nhiên, mặc dù bị phủ lên bao lớp áo của thời đại.
Phần II
QUÁ TRÌNH KIẾN THIẾT TU BỔ
Tuy sáng lập năm 1665 nhưng chính tạo dựng vào năm thứ 4 niên hiệu Chánh Hòa đời Lê Hy Tông (1683).
Đến triều chúa Hiển Tôn – Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ban hiệu “Sắc tứ Thập Tháp Di Đà Tự”, bản Sắc tứ này hiện treo trước Chánh điện là do Hòa Thượng Mật Hoằng, trú trì chùa Thiên Mụ làm lại, phụng cúng cho chùa vào năm thứ I – Minh Mạng triều Nguyễn (1820).
Theo bài thi tụng của Ngài Đạo Nguyên, được khắc lại trên bảng gỗ gắn liền trên hàng cửa trước Chánh điện:
Nguyên văn:
十 座 愈 於 多 寶 塔
門 前 不 用 設 三 車
只 今 淨 土 成 如 是
應 似 重 來 聽 法 華
Phiên âm:
Thập tòa dũ ư đa bảo tháp,
Môn tiền bất dụng thiết tam xa.
Chí kim tịnh độ thành như thị,
Ứng tợ trùng lại thính Pháp Hoa.
Dịch nghĩa:
Mười tòa tháp sánh hơn tháp Đa Bảo,
Trước cửa không cần thiết đặt ba xe.
Cảnh Tịnh độ hôm nay như thế đó,
Cũng giống như nghe giảng Pháp Hoa nhiều lần.
(Viên Đạt)
Bên phải ghi:
Nguyên văn:
乙西冬月題於什塔寺道源禪華庭悟稿
Phiên âm:
Ất Dậu đông nguyệt đề ư Thập Tháp Tự. Đạo
Nguyên Thiền tọa Hoa Đình ngộ cảo.
Bên trái ghi:
Nguyên văn:
己 巳年 重 刻
Phiên âm:
Kỷ Tỵ niên trùng Khắc.
Như vậy, Chánh điện đồ sộ hiện nay được tạo dựng lần thứ 3 vào năm Kỷ Tỵ (1749) dưới thời Ngài Liễu Triệt.
Cũng trong thời gian này, chúa Thế Tôn – Nguyễn Phúc Khoát, đạo hiệu Từ Tế Đạo Nhân (1738-1765) có ngự đề hai câu liễn sơn son thếp vàng thờ Phật, hiện treo trên những cột chính trong Chánh điện:
Câu 1:
Nguyên văn:
佛性圓融湛若虚空莫能測其邊際
法身無相 杲如皎 日熟敢擬其高明
歲在辛已孟夏毅日
國王慈濟道人御題
Phiên âm:
Phật tánh viện dụng, trạm nhược hư không, mạc năng trắc kỳ biên tế.
Pháp thân vô tướng, cảo như hạo nhựt, thục cảm nghĩ kỳ cao minh.
Tuế tại Tân Tị, Mạnh Hạ cốc nhật.
Quốc vương Từ Tế Đạo nhân ngự đề.
Hòa Thượng Đế Châu dịch:
Phật tánh viên dung, vắng lặng như không gian, thấu suốt thời gian không giới hạn.
Pháp thân vô tướng, chói lòa như mặt nhựt, bao trùm cao lộng tỏa quang minh.
Tại năm Tân Tị (1761), tháng tư, ngày tốt.
Quốc vương Từ Tế Đạo nhân đề.
Câu 2:
Nguyên văn:
真狮兒何論張牙百獸潜踪遁跡
大爐冶 汞金頑鐵一時鍛煉消鎊
Phiên âm:
Chơn sư nhi, hà luận trương nha, bách thú tiềm tung độn tích.
Đại lô dã, hống kim ngoan thiết, nhứt thời đoàn luyện tiêu dùng.
Hòa Thượng Kế Châu dịch:
Lò đúc lớn, thét vàng lọc thép, nhất thời rèn ảnh luyện hình.
Sư tử thật, nào luận dương nanh, bách thú lặng mình độn dấu.
Lần xây dựng này hoàn bị hơn cả, những nét chính, cột sườn, thờ phụng còn lại cho đến bây giờ. Toàn Chánh điện được bao bọc bằng dãy hành lang kín, dài 30m, rộng 20m.
Chánh điện chia làm 3 gian: giữa thờ Phật, 2 bên phòng chúng Tăng. Cách bài trí trong điện Phật: Khám giữa tôn Trí Tam Thế Phật: Thích Ca, Di Đà, Di Lặc. Trước khám, thờ 2 vị A Nan, Ca Diếp cao ngang như người thường. Đối diện trước hành lang là khám Tiêu Diện.
Ở khám 2 bên, thờ Quan Âm và Đạt Ma Tổ Sư. Hai vách hông, thờ Thập Bát La Hán, Kiên Lao, Hộ Pháp, hầu hết do ngài Minh Lý tạo năm Bính Tý (1876), có ghi rõ chân mỗi tượng: “Trú trì Trần Minh Lý cung tạo”.
Đặc biệt, lối kiến trúc lần này, ở trên mỗi cây xiên, trính v.v… đều có chạm hoa văn chữ Phạn, trụ cột cao to một người ôm không hết.
Hai bên hành lang trước Chánh điện, đặt Đại cổ và Hồng chung. Hồng chung hiện giờ do ngài Vạn Thành đúc vào đời vua Thành Thái thứ V (1893), nặng 1 tấn, cao 1,5m, đường kính 1m, trên lưng có hoa văn, ghi tên họ những người cùng tạo. Chuông này đúc là để thay chuông trước mà tương truyền do quân Tây Sơn đã khiêng đi đúc vũ khí, nhưng có lẽ phá không được nên bị ném xuống vực sâu ở cầu Bến Gỗ cách chùa 2 cây số về phía Tây. Chuông đó nặng gần 5 tạ.
Thân chuông ghi:
Nguyên văn:
平定省敕賜十塔彌陀寺正寺號慈愍教授阿 梨証明
本寺個作並善信供錢壹千貫
此鍾具有單票禮部憑焰鑄在御製妙諦寺鐘 長三尺五寸腰圓四尺八寸經口式尺一寸銅重 八百三十五斤餘,
伏願金輪永鎮玉燭常調八翁安有道之長四 海樂樂無為之化,
皇朝成泰六年八月十七日鑄
監寺號萬成禪師願勸鑄造
京人司鑄匠阮仕
嘉壽宮 長寧宮供錢四十元
今朝内宮公主未封供銀三十五元
承天府御製妙諦寺僧號妙覺 和尚 証明
弟子善信供錢壹千二百八十貫
救賜慈孝寺號綱紀羯磨阿刀染証明
弟子善信供錢壹百四十五貫 禪雲寺號灵机 教授阿闍梨証明
弟子供錢五百三十三貫
扶國公夫人阮氏並善信等同供錢二百六十貫
文明殿大學仕次室阮氏並善信同供三百五 十貫
Phiên âm:
Bình Định tính, sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự, Chánh tự hiệu Từ Mẫn Giáo thọ A xà lê chứng minh.
Bổn tự điền tác tịnh thiện tín cúng tiền nhất bách quan.
Thử chung cụ hữu đơn bẩm Lễ bộ bằng chiếu, chú tại Ngự chế Diệu Đế tự, chung trường tam xích ngũ thôn, yêu viên tứ xích bát thốn, kinh khẩu nhị xích nhấ thốn, đồng trọng bát bách tam thập ngũ cân dư.
Phục nguyện: kim luân vĩnh trấn, ngọc chúc thường điều, bát mạch an hữu đạo chi trường, tứ hải lạc vô vị chi hóa.
Hoàng triều Thành Thái, lục niên, bát nguyệt, thập thất nhật chú.
Giám tự hiệu Vạn thành Thiền sự nguyện khuyến chú tạo.
Kinh nhân ti chú tượng Nguyễn Sĩ.
Gia Thọ cung Trường Ninh cung
cúng tiền tứ thập nguyên.
Kim triều nội cung, Công chúa vị phong
Cúng ngân tam thập ngũ nguyên.
Thừa Thiên phủ, Ngự chế Diệu Đế tự, Tăng cang hiệu Diệu Giác Hòa thượng chứng minh.
Đệ tử thiện tín cúng tiền nhất thiên nhị bách bát thập quan.
Sắc tứ Từ Hiếu tự hiệu Cương Kỷ Yết ma xà lê chứng minh. Đệ tử thiện tín cúng tiền nhất bách tứ thập ngũ quan.
Thiền Vân tự hiệu Linh Cơ Giáo thọ A xà lê chứng minh.
Đệ tử cúng tiền ngũ bách tam thập tam quan.
Phù quốc công phu nhân Nguyễn Thị Tịnh thiện tín đẳng đồng cúng tiền nhị bách lục thập quan.
Văn Minh điện, Đại học sĩ Thứ thất Nguyễn Thị Tịnh thiện tín đồng cúng tam bách ngũ thập quan.
Dịch nghĩa:
Tỉnh Bình Định, chùa Sắc tứ Thập Tháp Di Đà Chánh tự hiệu Từ Mẫn Giáo thọ A xà lê chứng minh.
Bổn tự làm ruộng cùng thiện tín cúng tiền một ngàn quan, tiền đúc chuông này đều có đơn bẩm lên bộ Lễ làm bằng, đúc tại chùa Ngự chế Diệu Đế, chuông dài 3 thước 5 tấc (thước Tàu), vòng lưng 4 thước 8 tấc, đường kính miệng 2 thước 1 tấc, chuông nặng hơn 835 cân.
Phục nguyện: Bánh xe vàng luôn giữ, ngọn đuốc ngọc thường soi. Tám bên yên có nền đạo lâu dài, bốn biển vui nhờ Vô vi giáo hóa.
Đúc ngày 17 tháng 8 năm thứ 6, triều đại Thành Thái.
Giám tự, Thiền sư hiệu Vạn Thành phổ khuyến đúc thành.
Thợ đúc người tại Kinh tên Nguyễn Sĩ.
Cung Gia Thọ Cung Trường Ninh
Cúng tiền 40 đồng.
Nội cung đương triều, Công chúa chưa phong
cúng tiền 35 đồng.
Chùa Ngự Chế Ngự Đế tại phủ Thừa Thiên,
Tăng cang Hòa thượng hiệu Diệu Giác chứng minh
Thiện tín đệ tử cung tiền 1.280 quan.
Chùa Sắc tứ Từ Hiếu, Yết ma A xà lê, hiệu Cương Kỷ chứng minh.
Thiện tín đệ tử cúng tiền 145 quan.
Chùa Thiền Vân, Giáo thọ A Xà lê, hiệu Linh Cơ chứng minh.
Đệ tử cúng tiền 533 quan.
Phu nhân Phù quốc công họ Nguyễn cùng chư thiện tín, đồng cúng tiền 260 quan.
Điện Văn Minh, Thứ thất Đại học sĩ họ Nguyễn cùng thiện tín, đồng cúng 350 quan.
Ở giữa hành lang sau Chánh điện, có bia đá khắc bài Minh Chùa Thập Tháp. Bia này do ngài Minh Lý cung tạo năm Bính Tý (1876), Dương Thanh Tu cư sĩ soạn.
Mặt sau của Chánh điện là một sân rộng trồng nhiều hoa kiểng xanh tươi bốn mùa, đối diện Phương trượng, bên trái là nhà Đông đường, bên phải là nhà Tây đường.
Tây đường là nơi thờ phụng Tổ khai sơn, chư vị Tổ Sư truyền kế và những Phật tử quá cố. Tây đường này được tu bổ vào đời Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhật, đến nay vẫn còn giữ nguyên cốt cách, tuy có sửa sang chút ít sau này.
Chân dung của Tổ sư Nguyên Thiều, khai sơn chùa Thập Tháp, được thờ ở án trước, án sau là nơi tôn trí long vị của chư Hòa thượng thừa kế trú trì, cũng như những vị đóng góp công sức xây dựng trùng tu Tổ đình. Tổng cộng hơn 20 long vị.
Hai bên thờ vong linh của thiện nam, tín nữ từ nhiều đời cho đến bây giờ. Trên hàng cột trước treo 3 tấm hoành sơn son thếp vàng: tấm giữa “Thưởng tứ hảo nghĩa” do vua Tự Đức năm thứ 30 ban cho Hòa Thượng Minh Lý. Hai bên tả hữu là “Thanh phong minh nguyệt” và “Huệ nhật từ phong”.
Ngoài ra, còn nhiều liễn đối, sơn son thếp vàng, cẩn chạm khác nhau để thờ Tổ và ca ngợi công đức của tiền nhân như:
1-
Nguyên văn:
臨濟門風拱北皇家刀牒賜
真傳依紗和南禪室影儀標
Phiên âm:
Lâm Tế môn phong, củng bắc Hoàng gia đao điệp tử.
Chơn truyền y bát, hòa nam Thiền thất ảnh nghi tiêu.
Dịch nghĩa:
Lâm thế môn phong, đạo điệp ơn ban từ Đề thất.
Chơn truyền y bát, ảnh nghi tôn quý rạng Thiền gia.
(Viên Đạt)
2-
Nguyên văn:
十塔重修不意黄雲空繞几
祖庭再振豈知明月更窺 窻
Phiên âm:
Thập Tháp trùng tu, bất ý huỳnh vân không nhiễu kỷ,
Tổ đình tái chấn, khởi tri minh nguyệt cánh khuy song.
Dịch nghĩa:
Thập Tháp trùng tu, quyện áng mây vàng nào để ý.
Tổ đình tái chấn, soi song trắng sáng há ai hay.
(Viên Đạt)
3-
Nguyên văn:
曲徑風微華點砌
長空雲霧月當庭
Phiên âm:
Khúc kỉnh phong vị, hoa điểm thế,
Trường không vận tể, nguyệt đương đình.
Dịch nghĩa:
Gió đưa tiếng kệ hoa rơi đất,
Mưa tạnh trời trong nguyệt chiếu sân.
(Viên Đạt)
4-
Nguyên văn:
有像 江山天送 畫
無塵院落祖遺清
Phiên âm:
Hữu tượng gian san, thiên tống họa,
Vô trần viện lạc, Tổ di thanh.
Dịch nghĩa:
Hình bóng gian san, trời điểm nét,
Bụi trần bặt dấu, tổ lưu danh.
(Viên Đạt)
Đông đường, có lẽ cũng xây dựng cùng thời với Tây đường nhưng do thời gian lâu dài nên bị hư sụp. Đong đường hiện nay do Hòa Thượng Kế Châu tạo lập lại vào năm 1967, mô phỏng theo kiểu mẫu Tây đường nhưng lối kiến trúc theo thời đại bây giờ.
Đông đường là nơi tiếp khách chung và là chỗ ở của Tăng chúng, bày biện đơn giản, treo liễn đối và hoành phi. Hai tấm hoành:
蕩難名
甲 戌 (1874)
Đảng nan danh
Giáp Tuất (1874)
好義可風
成 泰 第三 年
Hảo nghĩa khả phong
Thành Thái năm thứ 3 (1891).
Khách thập phương có thể đi từ hành lang Đông đường thẳng lên sau Phương trường, cũng là nơi ở của vị Trú trì. Phương trượng gồm 2 mặt, mặt trước cách hành lang chánh điện chừng 20m rộng của một sân hoa cảnh dài từ Đông đường sang Tây đường chừng 50m.
Phần trước của Phương trường chia làm 3 gian: gian giữa là khám thờ Quốc sư Phước Huệ. Nơi đây có treo chân dung toàn thân Quốc sự do họa sĩ Khánh Phủ Trung Nhơn Hồng Cao Sĩ chánh thị và chư Tỳ kheo, Cư sĩ ở giảng đường Trúc Lâm bái phụng.
Vách bên trái Phương trượng, có bài chí khắc bằng gỗ viết về chùa Thập Tháp do Thị giảng học sĩ Lĩnh An Nhơn Phủ, Thiếu Đẩu Võ Khắc Triển soạn năm Bảo Đại thứ 3, nhằm tiết Trung Nguyên Mậu Thìn (1928).
Ngoài ra, còn nhiều liễn đối như:
1.Do Hòa Thượng Bích Liên đặt:
Nguyên văn:
與祖印禪心大海玄舟深林孤月
為人培佛種淨瓶甘露寶地金華
啟定八年癸亥春
平定諸山同合十
Phiên âm:
Dữ Tổ ấn thiền tâm, đại hải huyền châu thâm lâm cô nguyệt,
Vị nhận bồi Phật chủng, tính bình cam lồ bảo địa kim hoa.
Khải Định bát niên, Quý Hợi Xuân
Bình Định chư sơn, đồng hiệp thập.
Dịch nghĩa:
Với Tổ ấn in tạc lòng Thiền, ngọc châu biển cả long lanh, sáng chói rừng sâu vầng nguyệt bạch.
Vì nhân sinh vun trồng giống Phật, cam lồ tịnh bình mát dịu, ngọt ngào cõi báu đóa sen vàng.
Niên hiệu Khải Định thứ 8, năm Quý Hợi (1923), mùa Xuân.
Chư tăng Bình Định đồng chắp tay.
(HT Kế Châu)
2- Liễn do Thượng tọa Trí Diệu đặt:
Nguyên văn:
十塔重修無我相非立法座歸性海
塔僧慈眼觀所緣傳燈焰慧照宗風
佛曆二千五百零二年戊戌孟春
敕賜十塔寺大重修成礼
十塔門派諸山 全莊賀
Phiên âm:
Thập Tháp trùng tu vô ngã tướng, phi lập pháp quy tánh hải,
Tháp Tăng từ nhãn quán sở duyên, truyền đã diệm huệ chiếu tôn phong”.
Phật lịch nhị thiên ngũ bá linh nhị nữ Mậu Tuất, Mạnh Xuân.
Sắc tứ Thập Tháp tự, đại trùng tu khánh thành
Thập Tháp môn phái chư sơn Đồng trang
Dịch nghĩa:
Thập Tháp trùng tu, đâu lập pháp tòa, tướng vô ngã đồng về biển tánh.
Tháp Tăng từ nhãn, nối đèn trí tuệ, quán sở duyên chiếu rọi tôn phong.
Phật lịch 2502, năm Mậu Tuất (1958), tháng giêng
Lễ Khánh thành Đại trùng tu chùa Sắc Tứ Thập tháp
Chư Tăng môn phái Đồng kính mừng
(Viên Đạt)
3-
Nguyên văn:
教我善成身乘受佛恩兼帝寵
願師長住世唯持法寶及僧倫
弟子住持釋空花並寺眾等
同拜
Phiên âm:
Giáo ngã thiện thành thân, thừa thọ Phật ân kiêm đế sủng.
Nguyện sư trường trụ thế, duy trì pháp bảo cập Tăng luân.
Bảo Đại thập ngũ niên thu,
Đệ tử trú trì Thích Không Hoa tịnh tự chúng
Đồng bái
Dịch nghĩa:
Dạy đệ tử thành thân, vững giữ Phật ân và đế chúa.
Mong Tôn sự sống đời, duy trì Pháp bảo với Tăng luân.
Niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1940), mùa thu,
Đệ tử trú trì Thích Không Hoa cùng toàn thể Tăng chúng
Đồng lạy
(Viên Đạt)
Hai gian hai bên có gác lỡ, là chỗ nghỉ của khách Tăng. Ngôi Phương trượng này, toàn bộ kiến trúc rất có phu, trước có tiền đường, ở trên treo tấm hoành “ Y bát trùng quang” do Hòa Thượng Khánh Phước, trú trì chùa Linh Sơn tạo cúng năm Canh Thìn (1880).
Công trình xây dựng ngôi Phương trượng này dưới thời Hòa Thượng Phước Huệ năm 1924. Cũng như Bảo điện và Tây đường, Phương trượng lợp ngói âm dương, xây bằng vôi gạch, sườn là cột, kèo, xiên, trính. Nhìn bên ngoài thì hùng vĩ đơn giản theo lối kiến trúc phương Đông, vào trong thì uy nghiêm đồ sộ, nhất là cách thời phụng rất trang nghiêm, thâm huyền tạo cho người xem thêm kính ngưỡng.
Ngoài những ốc vũ chính, phía phải của chùa, sau Tây đường có ngôi nhà thờ: Quan Thánh, Thập Điện, Ngọc Hoàng,…lúc xưa thờ rải rác trong những dinh điện. Ngay tượng Chúa Tiên trước kia thờ nơi Đại điện Cửu thiên sau phương trượng, đã hư sập, bây giờ cũng thờ chung một vị trí. Cùng phía này, có một dinh nhỏ, xưa quý ngài khai hoang vỡ hoá, cải tạo ruộng vườn đã gom nhặt những xương cốt rải rác chung quanh (nơi đây xưa là vùng chiến tranh) chôn lại một chỗ, lập dinh để thờ gọi là “Dinh Hội Đồng”.
Chùa Thập Tháp được bao quanh bởi tường thành to và rộng, rêu phong cổ kính lâu đời. Qua thời gian chiến tranh sụp đổ. Năm 1969, Hòa Thượng Kế Châu xây lại và tu bổ toàn bộ.
Lối vào chùa là cổng Tam quan đơn sơ nhưng hùng vĩ. Tam quan chỉ có 2 trụ cao và to, Hòa Thượng Bích Liên có đề thêm câu đối ở mặt sau:
Nguyên văn:
一徑地登阿陛跋
六時天雨曼陀羅
Phiên âm:
Nhứt kính địa đăng Á Bệ Bạt
Lục thời thiên vũ Mạn Đà La
Dịch nghĩa:
Một nẻo vị lên A Bệ Bạt,
Sáu thời trời rưới Mạn Đà La.
(Viên Đạt)
Trên đầu 2 trụ, đắp 2 con sư tử oai hùng, chồm mặt về phía trước, đứng giữa trời mênh mông cao rộng hứng lấy ngọn gió Đông phơi phới dịu dàng cũng như nhận chịu những mưa nắng, bão bùng qua bao thời gian khắc nghiệt.
Trước cổng tam quan là một hồ sen rộng hơn 5 sào, chung quanh bờ hồ xây bằng đá ong. Hồ trồng sen cúng Phật và lấy nước để tưới những đám ruộng kế bên, đến mùa nắng hạn mương rãnh đều khô cạn nhưng hồ vẫn còn nước, không bao giờ khô.
Ngoài bờ thành phía Bắc tức là phía trái của chùa, có một trường học 2 phòng. Từ năm 1970 – 1975 là nơi dạy dỗ Tăng chúng các nơi về tham học, đó là một cơ sở đào tạo tương lai Phật pháp gọi là “Phật học viện Phước Huệ” do Hòa Thượng Kế Châu sáng lập.
Từ đó trở về sau là vùng đất rộng dùng làm “Thổ mộ”, và cũng là nơi an nghỉ của vị Tổ sư trú trì, tiền nhân công đức và những thiện nam, tín nữ trí tự. Nơi đây, hơn vài chục ngôi tháp lớn nhỏ hiện diện đồng thời với ngôi chùa và tiếp tục tới bây giờ. Hầu hết đã được tu bổ lại năm 1970 trong đời Hòa Thượng Kế Châu mà trước đó đã bị hư hỏng, sụp đổ.
Sau chùa, về phía Tây, ở sườn đồi còn có 1 tháp gọi là “Tháp Bạch Hổ”. Tương truyền rằng: dưới thời Ngài Liễu Triệt, cứ mỗi đêm có một con cọp trắng từ phía trên chùa xuất hiện, đến ngồi trước Chánh điện cho đến hết thời tụng kinh mà không hề phá phách gì cả. Mọi người tỏ vẻ sợ sệt, Hòa Thượng Liễu Triệt trấn an rằng: Đó là con cọp đến nghe kinh lúc sắp chuyển kiếp súc sinh, không ngại gì cả, rồi Ngài ra trước chùa bảo với bạch hổ rằng: “Hỡi Bạch hổ! vì nghiệp nặng phải làm thân súc sinh, hãy cố gắng nghe kinh tu hành, có ngày sẽ được thoát kiếp”.
Trải qua thời gian hơn một năm, một đêm nọ không nhìn thấy bạch hổ ngồi trước chùa nữa. Sáng hôm sau Tăng chúng thấy Bạch hổ nằm chết phía sau chùa dưới chân đồi Long Bích. Hòa Thượng cho đem xác Bạch hổ chôn và làm một ngôi mộ tháp lưu niệm. Trước năm 1945, hài cốt của Bạch hổ vẫn còn, nhưng vào thời Pháp thuộc thì bị quân Pháp đào lấy mất.
Pháp bảo của chùa Thập Tháp hiện thời còn nhiều tạng bảng in bằng gỗ và tạng kinh bằng giấy được bảo tồn nhiều đời cho đến bây giờ. Tạng bảng bằng gỗ gồm hơn 1.000 bảng:
– Kinh Di Đà Sở Sao.
– Kinh Kim Cang Trực Sở
– Kinh Pháp Hoa Khoa Chú.
Tạng kinh bằng giấy được tàng trữ trong 2 tủ lớn, hiện có 389 bộ (được lưu trữ riêng).
Chùa Thập Tháp không phải chỉ ở lịch sử lâu đời của Phật giáo Trung – Nam, Chùa Thập Tháp còn là Tổ đình của dòng Lâm Tế Chánh Tôn Trung Phần và Nam Phần. Hầu hết các chùa từ Thừa Thiên Huế trở vào đến tận Nam bộ, đều xuất phát từ 2 dòng kệ chính của Tổ sư Nguyên Thiều:
- Bài kệ thứ nhất:
Nguyên văn:
祖道戒定宗
方廣證圓通
行超明實際
了達悟真空
如日光常照
普周利益同
信香生福慧
相繼振慈風
Phiên âm:
Tổ đạo giới định tôn,
Phương quảng chứng viên thông.
Hành siêu minh thật tế,
Liễu đạt ngộ chơn không.
Như nhật quang thường chiếu,
Phổ Châu lợi ích đồng.
Tín hương sanh phước huệ,
Tương kế chấn từ phong.
- Bài kệ thứ 2:
Nguyên văn:
道本元成佛祖先
明如洪麗中天
靈源廣潤慈風普
炤世真登萬古傳
Phiên âm:
Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên,
Minh như hồng nhựt lệ trung thiên.
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ,
Chiếu thế chơn đăng vạn cổ truyền.
Kế thừa sự nghiệp của Tổ Sư Nguyên Thiều, quý Ngài đã mở rộng con đường hoằng đạo, rải dấu chân từ Đế đô vào Sài Gòn, khai sơn, chấn chỉnh, đào tạo… ngày nay vẫn còn cơ sở và bóng vang của các bậc danh sư. Từ chùa Quốc Ân, Báo Quốc ở Đế đô; Thiên Đức, Thắng Quang ở Bình Định; Triều Sơn, Khánh Sơn, Phước Sơn ở Phú Yên; Giác Lâm, Giác Viên ở Chợ lớn – Gia Định… đều là những nơi được khai sáng hoặc là cơ sở đào tạo Tăng tài một thời lưu hành “Nguyên Thiều Pháp phái”.
Chùa Thập Tháp cũng chính là nơi đào tạo Tăng tài từ xưa đến nay. Hầu hết các danh Tăng cận đại đều trực tiếp hay gián tiếp xuất thân ở đây như: Hòa Thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Giác Viên, Hòa thượng Mật Thể, Hòa thượng Mật Hiển, Hòa thượng Mật Nguyện, Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Đôn Hậu, Hòa thượng Bát Nhã, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa v.v…
Năm 1920, “Phật học đường” bắt đầu tổ chức “gia giáo” do Quốc sư Phước Huệ chủ giảng ở chùa Thập Tháp. Chư Tăng ngoại tỉnh và nội tỉnh đều có tham học.
Đến năm 1938, danh nghĩa của Phật học đường được thành lập ở chùa Long Khánh – Quy Nhơn cũng do Quốc sư Phước Huệ chủ giảng. .
Năm 1946, khóa tiếp theo được mở lại ở chùa Thập Tháp do chư Thượng Tọa: Huyền Quang, Kế Châu, Giác Đạo, Bình Chánh, Tâm Hoàng Tâm Thanh v.v… giảng dạy, nhưng thời gian hơn 1 năm vì hoàn cảnh chiến tranh nên phải tạm đình.
Năm 1956, sau khi hiệp định Geneve ký kết, Hòa Thượng Huệ Chiếu tiếp tục chương trình mà trước kia đang dở dang, Phật học đường được khai giảng lại tại Tổ đình Thập Tháp do chư vị Thượng Tọa trong tỉnh đảm nhận giảng dạy, Hòa Thượng Kế Châu làm Giám đốc. Khóa này cũng hơn một năm thì bế giảng và chuyển đi nơi khác.
Năm 1970, Hòa Thượng Kế Châu thành lập cơ sở đào tạo Tăng tài lấy tên “Phật học viện Phước Huệ”, với sự hỗ trợ của Hòa Thượng Huyền Quang, Tâm Hoàn… Tăng sinh hơn 150 vị, trong tỉnh và cả ngoài tỉnh cũng đều đến tham học. Khóa I, tốt nghiệp xong năm 1973. Khóa II, tiếp tục cho đến năm 1975 vì hoàn cảnh chiến cuộc nên phải giải tán. Ban Giáo Thọ gồm chư vị tôn túc trong tỉnh: Hòa Thượng Giác Tánh, Hòa Thượng Tâm Hoàn, Thượng tọa Đồng Từ, Thượng Tọa Tâm Hiện v.v…
Hiện nay, tuy danh nghĩa Phật học viện không còn, nhưng chùa Thập Tháp vẫn là nơi đào luyện cho “Tương lai Phật Pháp” bằng hình thức gia giáo, thầy dạy trò, anh dạy em cho nội tự và Tăng chúng các nơi.
Thích Viên Đạt biên soạn