- Thân thế
Cố Hoà thượng Thích Giác Tần, thế danh Trần Văn Dần, sinh mùng 3 tháng 5 năm Canh Dần (1950), tại thôn Xuân Hoà, xã Hoà Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình hai trai, hai gái. Thân phụ của Ngài là cụ ông Trần Quyễn, và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Dĩ.
Xuất thân trong gia đình đạo đức hiền lành nên từ nhỏ Ngài hiếu thảo, ngoan ngoãn, lễ phép, đặc biệt là lòng từ ái thương người mến vật vốn có sẵn nơi Ngài tự bao giờ. Năm lên năm tuổi, cha mất sớm, thân mẫu vất vả một nắng hai sương nuôi dạy anh em Ngài khôn lớn. Năm lên bảy tuổi, mẹ đưa Ngài đến trường học chữ. Ngài siêng năng học tập và học hết chương trình Tiểu học thời bấy giờ, song vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngài thôi học, ở nhà phụ giúp gia đình.
Do nhân lành tu tập nhiều đời, năm 1965, Mẹ và em gái út (cô Trần Thị Dậu, nay là Ni sư Hiếu Liên) phát tâm xuất gia với Ni trưởng Tỉnh Liên tại Tịnh xá Ngọc Yên, trực thuộc Ni giới Hệ phái Khất sĩ do Ni trưởng Bạch Liên (Sư bà Nhị) lãnh đạo. Khi ấy người anh cả của Ngài là Trần Thìn, pháp danh Thiện Đền đã lập gia thất, kế thừa tông tộc họ Trần; người chị kế là Liệt sĩ Trần Thị Thọ đã hy sinh vì nghĩa lớn, Ngài một mình ở lại nhà.
Những ngày tháng ấy, tuy còn ở tuổi vị thành niên và nhân duyên xuất trần chưa đến, Hoà thượng vẫn lập hạnh tu tập tinh tấn. Ngài tập ăn chay trường, tụng kinh niệm Phật, tập sống hạnh quên mình, hàng ngày làm việc chăm chỉ, giúp đỡ bố thí cho bà con trong hoàn cảnh khó khăn. Trong tập nhật ký của Ngài để lại, cho thấy, túc duyên Phật pháp nơi Ngài thật sâu dày, Ngài viết:
Ngày ngày quen với muối dưa,
Mà lòng càng mến, càng ưa nâu sồng.
Quyết tâm lìa bỏ cõi hồng,
Nên trong cuộc sống không còn sắc thinh…
Ngài thường tụng Kinh Phổ Môn và đảnh lễ Bồ-tát Quán Thế Âm, có nhiều đêm trong giấc mơ, điềm lành xuất hiện; cũng có khi Ngài được chiêm ngưỡng dung nghi hiền hoà của Mẹ hiền Quán Âm, hoặc được nhắc nhở con đường xuất gia tu hành.
- Phát tâm xuất gia, thọ giới
Thế rồi, nhân duyên với Tam Bảo nơi Ngài cũng đến lúc chín muồi:
Từ ngày thiên mộng báo điềm,
Lòng này đã quyết, đảo điên mặc đời.
Chắp hai tay lạy Phật Trời,
Cho con phát nguyện sống đời ly gia.
Ngày 29 tháng 3 năm 1968, tại Tịnh xá Ngọc Tòng, Lương Sơn, Nha Trang, Khánh Hoà, Ngài được Đức Thầy Giác An xuống tóc chính thức bước vào nhà đạo, có pháp danh Huệ Học.
Ngài viết trong nhật ký rằng thời gian mới vào đạo mới mẻ chưa quen nhưng đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời Ngài vì mỗi ngày được theo chân tu học dưới sự chỉ bảo của Đức Thầy. Năm 1970, vào ngày Rằm tháng Bảy, trong Lễ Tự tứ – Vu lan bồn diễn ra ở Tịnh xá Ngọc Bảo (Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận), Ngài được Đức Thầy truyền giới Sa-di và ban pháp danh Giác Tần.
Thọ giới Sa-di mới được một năm, vào năm sau (1971) Lễ Tự tứ – Vu lan bồn năm 1971 ở Tịnh xá Ngọc Cát, Đức Thầy viên tịch để lại niềm kính tiếc khôn nguôi trong hàng tứ chúng và nhất là đối với chú đệ tử Sa-di sau cùng:
… Rồi năm nay, năm Đức Thầy,
Về đây hoá đạo, quảy giày về Tây.
Giữa vòng tứ chúng bao vây,
Tiếng thương vọng chín tầng mây rơi sầu…
Rằm tháng 7 năm 1974, tại Tịnh xá Ngọc Hoà (Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định), Ngài được Hoà thượng Giác Dũng đỡ đầu và Trưởng lão Giác Phải truyền giới Cụ túc. Ngài nhận lãnh Y Bát và thực hiện sứ mệnh của một hành giả Khất sĩ thượng cầu hạ hoá từ đây.
- Giai đoạn hành đạo
Trong hồi ký, Ngài viết từ ngày đặt chân vào ngôi nhà Khất sĩ, với pháp danh Huệ Học, Đức Thầy ban cho chính là nhắc phải cố gắng học hỏi không ngừng, học kiến thức phổ thông, nghiên cứu Phật học giáo pháp tối hậu và tinh chuyên hành trì. Chính bổn ý của Đức Thầy nhắc Ngài phải tinh cần trau dồi sở học và có niềm tin nơi tự thân, Ngài siêng năng học tập giáo pháp, dần dần nội lực tu tập và kiến giải pháp bảo vững chắc. Cùng với giọng nói thiên phú như chuông ngân, pháp âm của Ngài đã làm thức tỉnh biết bao khách trần tỉnh mộng, xoa dịu bao nỗi đau nhân thế.
Khắp các tịnh xá Ngọc Tòng, Ngọc Cát, Ngọc Đà, Ngọc Trung, Ngọc Pháp, Ngọc Quang, Ngọc Phúc, Ngọc Hoà, Ngọc Duyên, Ngọc Phú, Ngọc Hải, Ngọc Đức đều lưu lại pháp âm sư tử hống của Ngài. Trên các nẻo đường đất đỏ Ba-zan – Tây nguyên, duyên hải, đồng bằng Trung bộ đều in dấu chân hành đạo của Ngài. Đến năm 1975, Giáo hội sắp xếp Ngài về tu tập và hoằng pháp tại Tịnh xá Ngọc Duyên, Đập Đá, An Nhơn, Bình Định.
Năm 1994, Hoà thượng Giác Dưỡng thọ bệnh viên tịch, Ngài tiếp tục gánh vác trọng trách Trụ trì, tiếp chúng độ sanh tại Tịnh xá Ngọc Duyên. Cũng trong thời gian này, thân bệnh bắt đầu xuất hiện, song Ngài vẫn tự tại:
Ráng tu đi chớ lo rầu,
Bệnh duyên là một nhịp cầu phải qua.
Có không bởi tại lòng ta,
Chớ dần dà mãi trôi qua tháng ngày…
Bao Phật sự đang chờ đợi tài trí, trái tim và bàn tay của Ngài, nên mặc bệnh duyên, Ngài thiết lập thời gian biểu sinh hoạt cá nhân rất điều độ để vừa có sức khoẻ vừa có thể phụng sự Phật pháp và chúng sinh. Hạnh giản dị, nhẫn nại, tinh tấn, hy sinh và ý chí kiên định của Ngài khiến ai một lần được tiếp xúc đều rất kính mến.
Tịnh xá Ngọc Duyên được kiến lập từ năm 1966, đến thập niên 90 đã hư hao quá nhiều nên năm 1998, Ngài khởi xướng và vận động Phật tử trùng tu lại tịnh xá. Bốn năm xây dựng với nhiều khó khăn trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, Ngài vẫn kiên trì và khuyến khích Phật tử lập công bồi đức.
Năm 2002, ngôi phạm vũ, nhà thờ Cửu huyền Thất tổ và nhiều hạng mục hoàn tất, Lễ Tứ tứ Tăng và Vu lan bồn của Giáo đoàn được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Duyên diễn ra trang nghiêm thành công hơn sự mong đợi.
Cơ sở hạ tầng hoàn tất, Ngài dạy Tăng chúng đây chính là lúc hướng dẫn Phật tử tu tập để ai cũng có thể tự bước lên con đường giải thoát. Mỗi tháng ngoài hai ngày cúng Hội thuyết pháp, mùng 8 và 23 là hai ngày tu Bát Quan trai thực tập pháp niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà. Hàng đêm, công phu tối Phật tử cũng câu hội về cộng tu cùng chư Tăng. Mỗi năm, Hoà thượng chỉ dạy chư Tăng tổ chức hai khoá Niệm Phật 7 ngày.
Lo phần tâm linh cho chúng sinh chưa đủ, Ngài còn quan tâm đến đời sống vật chất. Mỗi tháng bốn lần, Ngài vận động các mạnh thường quân làm từ thiện, biếu gạo, mì, thức ăn, đồ dùng… cho bà con khó khổ, không tháng nào quên sót. Hạnh thương yêu, bố thí giúp đỡ người, làm tấm gương sáng cho chúng đệ tử, Phật tử. Những ngày cuối cùng trong bệnh viện, thấy xuân về mà nơi đây còn lắm người bệnh tật đau đớn, không người chăm sóc, có người thiếu viện phí, Ngài nhắc đệ tử mang vật thực và tịnh tài chia sẻ cho họ. Lòng từ bi của Ngài khiến các đệ tử và Phật tử vô cùng cảm động kính quý. Nhiều bệnh nhân, thân nhân người bệnh cảm kích vị Tăng đức độ thương người và khởi niềm tin hướng về Tam Bảo.
Ngày 5 tháng 12 năm 2002, Ngài được GHPGVN tấn phong giáo phẩm Thượng toạ. Và ngày 24 tháng 11 năm 2012, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII diễn ra tại Hà Nội, Ngài được HĐTS GHPGVN tấn phong giáo phẩm Hoà thượng.
Năm 2005, Ngài còn cố gắng sắp xếp thời gian đi hành đạo ở Mỹ quốc. Hạnh nguyện hoằng pháp độ sinh như nguồn sống thôi thúc Ngài làm việc không ngừng nghỉ.
Đối với Phật sự chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định, cũng như công tác của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện An Nhơn và tỉnh Bình Định, Ngài đều hoan hỷ, hết lòng phụng sự, tham gia trong suốt bốn nhiệm kỳ từ năm 1998.
Mùa Tự Tứ – Vu lan năm 2012, Hoà thượng được suy tôn vào hàng Giáo phẩm Chứng minh Giáo đoàn. Mùa Tứ Tứ – Vu lan năm Đinh Dậu (2017) tại Tịnh xá Ngọc Phúc, Ngài được đại chúng Giáo đoàn suy tôn vào hàng Chứng minh kiêm Tri sự trưởng Giáo đoàn. Ngày 17 tháng 7 Đinh Dậu trong phiên họp Giáo phẩm Hệ phái tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Q. 2, TP. HCM) Ngài được chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái suy tôn vào hàng Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ.
Trong các Phật sự của Giáo đoàn, hoặc của Hệ phái, tuỳ duyên, tuỳ thời Ngài thực hiện tiên phong làm gương, hầu đưa Giáo đoàn – Hệ phái phát triển đi lên từng ngày mà vẫn duy trì đúng con đường, tôn chỉ Tổ Thầy khai vẹt. Các khoá tu của Giáo đoàn, nếu đủ sức khỏe, Ngài luôn thăm viếng khuyến khích hành giả tu học. Sự hiện diện của Ngài trong hội chúng khiến cả không gian ấm áp, tinh tấn, hoan hỷ. Ngài quả thật là bóng mát cho hàng hậu học, nhất là đối với Ni chúng trong Giáo đoàn.
Trong Đại Giới đàn Tâm Hoàn – Bình Định 2017, tuy bệnh duyên bắt đầu trở nặng nhưng Hoà thượng cũng đáp lời kiền thỉnh làm Đệ Lục Tôn Chứng A-xà-lê trong đàn giới.
Đóng góp vào Phật sự GHPGVN tỉnh Bình Định, suốt 4 nhiệm kỳ, Ngài đều có tham gia với các vai trò:
– Nhiệm kỳ 1997 – 2002: Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Bình Định.
– Nhiệm kỳ 2002 – 2007: Uỷ viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
– Nhiệm kỳ 2007 – 2012: Uỷ viên Thường trực kiêm Uỷ viên Kiểm soát Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
– Nhiệm kỳ 2012 – 2017: Phó trưởng ban Tăng sự kiêm Phó trưởng ban Kiểm soát GHPGVN tỉnh Bình Định và Phó ban Trị sự Phật giáo thị xã An Nhơn.
– Nhiệm kỳ 2017 – 2022: Ngài được Ban Trị sự GHPG Việt Nam thị xã An Nhơn cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh BTS GHPGVN thị xã An Nhơn.
Với đạo hạnh và uy đức của Hoà thượng, suốt nhiều nhiệm kỳ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định và thị xã An Nhơn mời Ngài tham gia vào các vai trò:
– Uỷ viên Uỷ ban MTTQVN tỉnh Bình Định suốt ba nhiệm kỳ 2004 – 2009, 2009 – 2014, 2014 – 2019.
– Uỷ viên Uỷ ban MTTQVN thị xã An Nhơn, bốn nhiệm kỳ 1998 – 2003, 2003 – 2008, 2008 – 2013, 2013 – 2018.
Tán dương những đóng góp dấn thân của Ngài đối với Đạo pháp và Dân tộc, Nhà nước và Giáo hội đã trao tặng nhiều bằng khen:
– Kỷ niệm chương của Trung ương MTTQVN.
– Kỷ niệm chương của Trung ương Chữ Thập đỏ.
– Bằng khen của Trung ương Chữ Thập đỏ.
– Bằng Tuyên dương công đức của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ 1997 – 2002.
– Bằng Tuyên dương công đức của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ 2011 – 2016.
– Bằng khen của UBND tỉnh Bình Định.
– Giấy khen của Uỷ ban MTTQVN tỉnh Bình Định.
– Giấy khen của UBND thị xã An Nhơn.
– Giấy khen của Uỷ ban MTTQVN thị xã An Nhơn.
– Giấy khen của UBND phường Đập Đá.
– Giấy khen của Uỷ ban MTTQVN phường Đập Đá.
- Những ngày tháng sau cùng
Quy luật đến đi, còn mất trong vũ trụ này muôn đời vẫn vậy. Kể từ ngày 17 tháng 11 năm Đinh Dậu (2017), bệnh tình trở nặng dần, và lúc 20 giờ 10 phút ngày mùng 3 tháng Giêng năm Mậu Tuất (nhằm 18/2/2018), Ngài đã thâu thần thị tịch, trụ thế: 69 năm, hạ lạp: 44 năm.
Pháp danh của Ngài quả thật ứng hợp với câu:
GIÁC NGỘ HUYỄN TRẦN, TÂM BI LỚN, DANG TAY TẾ ĐỘ
TẦN VIÊN ĐẠI NGUYỆN, HỶ XẢ ĐẦY, ỨNG XỬ TỪ NGHIÊM
Cuộc đời và đạo nghiệp của Hoà thượng là tấm gương sáng về hạnh nguyện vị tha ly xả, khiêm cung tuỳ hỷ, nhẫn nhục tinh tấn, từ bi hiếu thảo. Tấm gương ấy luôn soi sáng trong tâm mỗi người, luôn nhắc nhở, khuyến tấn tất cả chúng sinh trong cõi tạm này hành theo, để chuyển hoá tự thân, tạo niềm an vui hạnh phúc cho chính mình và nhân quần xã hội trong hiện tại và mai sau.
Nam mô Giác linh Hòa thượng Tri sự trưởng Giáo đoàn III thùy từ chứng giám.
Môn đồ pháp quyến phụng soạn