TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG CHƯ

TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG CHƯ

I.THÂN THẾ

Hòa thượng họ Phạm, húy Thiện Huệ, sinh ngày 11 – 10 – 1925 (Ất Sửu) tại thôn Đức Phổ 1 xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ngài xuất thân trong một gia đình nho phong danh tiếng ở địa phương Thân Phụ là cụ ông Phạm tự Lộ pháp danh Quảng Lộ, Thân Mẫu cụ bà Trần Thị Phi pháp danh Quảng Thí. Gia đình gồm sáu người con, ba trai, ba gái, gia đình đều thâm tín Tam Bảo, anh trai thứ bảy là Hòa thượng Thích Phước Thành viện chủ Tổ đình Thiên Phước, Ngài là người con thứ mười. Cha mất sớm được mẹ chăm lo dạy dỗ, với bẩm tánh thông minh và hiếu học, Thuở nhỏ Ngài theo học Nho, nổi tiếng là một nho sinh thông minh, hoạt bát. Thường ngày Ngài được thân mẫu hướng dẫn lễ Phật, bái sám…

II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Vốn sẵn có hạt giống Bồ-đề, túc duyên Phật pháp, năm 12 tuổi ngày 06 tháng 2 năm 1938 Ngài xuất gia chùa Tịnh Lâm được Hòa thượng Bổn Sư đặt Pháp danh Quảng Chư, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 45.

Hòa thượng thượng Phước hạ Thành viện chủ : Tổ đình Thiên Phước

Năm 1938 – 1947 Ngài đến ở với anh ruột của Ngài là Hòa thượng Thích Phước Thành viện chủ Tổ đình Thiên Phước, thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định để đi học.

Hòa thượng Quệ Chiếu đặt cho Ngài Pháp hiệu Thiện Huệ. Sau đó Ngài được Hòa thượng chùa Thiên Phước đưa vào Phan Rang làm đệ tử y chỉ và trao cho Hòa thượng Huyền Tân chùa Thiền Lâm cho Pháp tự Đỗng Tánh, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42, Huynh đệ đồng sư với Hòa thượng Đỗng Minh, Hòa thượng Đỗng Quán.

Năm 1943 Ngài thọ Sa-di giới tại Đại giới đàn Thiên Đức – Bình Định do Quốc sư Phước Huệ Đường Đầu Hòa Thượng. Năm 24 tuổi (1949) Hòa thượng được Bổn sư cho thọ Đại giới

Năm 1949 – 1952, sống trong cảnh nước mất nhà tan, như bao thanh niên khác, Ngài đã tham gia Hội Phật Giáo Cứu Quốc huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định. Tuy lo việc nước nhưng Ngài luôn giữ vững sứ mệnh xuất gia học đạo của mình.

Năm 1952 – 1957, Ngài được Bổn sư cho đi học tại 243 Sư Vạn Hạnh chợ lớn Sài Gòn.

III. THỜI HÓA ĐẠO

Năm 1957- 1958 Ngài được Hòa thượng Huệ Chiếu trụ trì chùa Thập Tháp mời làm giảng sư tại chùa Thập Tháp. Ngày 19 tháng 09 năm 1959 (Kỷ Hợi) Ngài được Hòa thượng y chỉ sư thượng Không lạ Hoa hiệu Huệ Chiếu tín nhiệm mời Ngài trụ trì chùa Ngưỡng Quan hoằng dương Phật Pháp tại nơi này.

Từ năm 1959 đến 1988 Ngài làm chức vụ thư ký BTS GHPGVN tỉnh Bình Định.

Năm 1964 nhờ đạo phong và đức độ uy tín của Ngài nên đã xây dựng ngôi chánh điện thật khang trang làm nơi tín ngưỡng đạo tràng Phật tử tu học.

Năm 1966 – 1968 Ngài đứng ra chủ trương thành lập lớp mẫu giáo “Mẫu giáo từ nhũ” để giúp con em nghèo trong địa phương có điều kiện đến trường và đã có trên 100 trẻ em xin học.

Năm 1970 – 1974 Phật Học Viện Phước Huệ thành lập khai giảng. Hòa thượng Thích Huệ Chiếu trụ trì Tổ đình Thập Tháp mời Ngài làm thư ký.

Ngày 26 tháng 07 năm 1971 Ngài đã tham dự và tốt nghiệp chứng chỉ khóa tu nghiệp Quản Trị Học Đường và Tâm Lý Giáo dục do Tổng vụ văn hóa Giáo dục Hòa thượng Thích Minh Châu tổ chức.

Năm 1988 Ngài tiếp tục xây dựng Tổ đường chùa Ngưỡng Quan lại được khang trang.

IV. ĐỆ TỬ XUẤT GIA CỦA NGÀI

  1. Hòa thượng : Thích Nhuận Đạo tự Thắng Nhơn hiệu Cảnh Hạnh viện chủ chùa Ngưỡng Quan, viên tịch ngày 20 tháng giêng năm Quý Tỵ
  2. Thượng tọa : Thích Nhuận Đức tự Thắng Nghĩa hiệu Cảnh Hưng viên tịch ngày 10/02 /Canh Thìn
  3. Thượng tọa : Thích Nhuận Phước tự Thắng Thọ hiệu Cảnh An trụ trì Nhuận Phước Tự Q12 TP.HCM

V. VIÊN TỊCH

Năm 1990, Ngài lâm trọng bệnh. Vẫn biết thế gian là vô thường, thăng trầm luân chuyển, nhân sinh thống khổ, dòng sinh diệt thay đổi liên tục không ngừng, nhưng Ngài lúc nào cũng hoài niệm mong muốn trùng hưng chốn già lam, trang nghiêm đẹp đạo tốt đời. Cả một cuộc đời Ngài luôn nghiêm trì giới luật, làm thân giáo cho hàng phật tử xuất gia và tại gia, Ngài sống bình thường và giản dị, siêng năng cần cù, nhu hòa nhẫn nhục, bề ngoài lúc nào cũng nghiêm khắc với bản thân và chúng đệ tử xuất gia, nhưng Ngài lại hết lòng thương chúng đệ tử, song lại khiêm tốn và nhã nhặn với pháp lữ và Bổn đạo Phật tử. Ngài lại thích làm nhiều hơn nói, với tư cách hòa ái kính nhường giọng nói nhẹ nhàng hiền dịu, nên khi tiếp xúc với mọi tầng lớp tín đồ khiến ai ai cũng cảm mến và cung kính Ngài.

Trước khi Ngài thị tịch, Ngài ân cần dạy bảo từng chi tiết một, về các vấn đề sách tấn tu học của các Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo không luận giàu nghèo, sang hèn già trẻ … mỗi khi được tiếp xúc hầu thăm Ngài đều thiết tha khuyên hóa trên đường tu niệm

Than ôi! Hoa nở để rồi tàn, trăng tròn để rồi khuyết, họp mặt để rồi tan, bóng Quan Âm thấp thoáng, thân tứ đại mất còn, trải hơn 65 năm dài đăng đẳng, hòa quang đồng trần trên cuộc đời, nhân duyên đã mãn, Ngài đã an tường thị tịch xả bỏ báo thân ngày 24 tháng 04 năm 1991 (Tân Mùi) hưởng thọ 65 tuổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *