Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Kế Châu (Thích Không Tín) (1922-1996)

Chân dung Hoà Thượng Thích Kế Châu

TIỂU SỬ

HÒA THƯỢNG THÍCH KẾ CHÂU (Thích Không Tín)
(1922-1996)

Truyền thừa đời thứ 41 Lâm Tế Chánh Tông

Hòa Thượng Thích Kế Châu pháp danh Không Tín, pháp tự Giải Thâm. Ngài họ Nguyễn, sinh năm Nhâm Tuất (1922) tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình nho phong, y học và thấm nhuần Phật Giáo. Song thân Ngài là Phật Tử thuần thành. Anh cả Ngài là Thiền Sư Trí Diệu học hạnh kiêm toàn, trụ trì và viên tịch tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định.

Ngài tư chất thông minh, nội ngoại điển đều thông suốt, thế học; y học và võ thuật cũng đều thông suốt. Ngài sớm hiểu được lý đạo qua kinh điển, nhận chân được lẽ vô thường của cuộc đời và phát ý chí xuất trần vững mạnh. Năm 14 tuổi (1936), được phép song đường, Ngài xin thế phát xuất gia với Quốc Sư Phước Huệ tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, và được Bổn Sư ban pháp danh là Không Tín.

Kể từ đó, Ngài chăm lo học tập thiền môn, dốc chí tu trì Phật Pháp. Vốn sẵn tính thông minh hiếm có, học một hiểu mười, nên khi nghe Quốc Sư đăng tòa giảng dạy những bộ kinh Đại Thừa, Ngài thuộc lòng nhiều đoạn không cần nhìn sách. Ngài còn trau dồi thêm Hán học: Tứ thư; Ngũ kinh; thi văn; điển cố… thảy đều làu thông và còn viết thạo cả bốn kiểu thư pháp: chân; thảo; lệ; triện, có thể sánh vai với các nhà bút thiếp lừng danh của Trung Quốc xưa nay.

Một bút tích của Hòa Thượng Không Tín – Kế Châu tại chùa Thập Tháp Di Đà, Bình Định.

Năm Nhâm Ngọ – 1942, Ngài được thọ đại giới tại Giới Đàn chùa Hưng Khánh do Hòa thượng Chí Bảo làm Đường Đầu truyền giới. Ở Giới Đàn này, Ngài là Vĩ Sa-di.

Năm Quý Mùi – 1943, sau khi thọ giới, Ngài được Hòa thượng Bổn Sư là Quốc Sư Phước Huệ truyền pháp phái sơn môn, Ngài đắc pháp với pháp tự Giải Thâm, hiệu là Kế Châu.

Năm Đinh Hợi – 1947, với khả năng xuất chúng, Ngài được mời vào Giáo Sư Đoàn của Phật Học Đường Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Bình Định.

Năm Canh Dần – 1950, Ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Bảo Sơn, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Tại đây, Ngài kiết thất tu hành, hóa độ đông đảo quần chúng và vận động tái thiết ngôi chùa trở nên trang nghiêm tú lệ hơn xưa.

Năm Mậu Tuất – 1958, Ngài được Chư Tôn Đức cử làm Giám Đốc Phật Học Đường thuộc Giáo Hội Tăng Già Bình Định. Cảm mến tài đức của Ngài, Hòa thượng Quy Thiện đã tặng Ngài bài thơ nhân lễ nhậm chức Giám Đốc Phật Học Viện, trong đó có câu:

Bảo khí kết thành sơn thượng ngọc
Kim luân tự hữu kế trung châu.

Cùng thời gian này, Ngài khai sơn chùa Bảo Châu, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, sau đó Ngài giao lại cho đệ tử trụ trì.

Năm Quý Mão – 1963, Ngài tham gia phong trào phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật Giáo của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm và được Chư Tôn Đức Tăng Ni mời vào Ban Lãnh Đạo Phật Giáo Bình Định.

Năm Ất Tỵ – 1965, khi Hòa thượng Thích Huệ Chiếu, trụ trì Tổ đình Thập Tháp – pháp huynh của Ngài viên tịch, Chư Tôn Đức trong sơn môn đã suy cử Ngài kế thừa trụ trì Tổ đình. Từ đó, Ngài bắt đầu ra sức chỉnh trang mọi mặt, đưa Tổ đình trở thành một chốn thiền môn sinh hoạt có quy củ nghiêm tịnh.

Cũng trong năm này, Ngài được Tăng Ni, Phật Tử tín nhiệm suy cử làm Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định. Từ đây đến cuối đời, Ngài là vị lãnh đạo đứng đầu của Phật Giáo Bình Định, hướng dẫn Tăng Ni, Phật Tử tỉnh nhà chuyên tâm tu học.

Một di ảnh của Cố Hòa Thượng Kế Châu.

Một di ảnh của Cố Hòa thượng Kế Châu.

Năm Đinh Mùi – 1967, Tổ đình Thập Tháp Di Đà dưới sự hướng dẫn của Ngài mỗi lúc càng thêm khởi sắc. Vì thế Ngài bắt tay xây dựng lại khu Đông đường làm nơi tiếp khách thập phương về chiêm bái Tổ đình và làm nơi giảng dạy cho Tăng Chúng khắp nơi quy tụ về học tập.

Năm Mậu Thân – 1968, để kế vãng khai lai, tục Phật huệ mạng, Ngài tổ chức khai Đại Giới Đàn tại chùa Long Khánh, thành phố Quy Nhơn và làm Chánh Chủ Đàn trong giới đàn này.

Năm Kỷ Dậu – 1969, Ngài đứng ra trùng tu khu vườn tháp Tổ theo thời gian và do chiến tranh đã dần bị hư hoại. Sau đó, Ngài cho xây dựng tường rào bao bọc toàn bộ khuôn viên Tổ đình cho thêm phần khang trang nghiêm tịnh.

Năm Canh Tuất – 1970, Ngài thành lập Phật Học Viện Phước Huệ, chuyên khoa Trung Đẳng Phật Học tại Tổ đình Thập Tháp do Ngài làm Giám Viện. Tăng Chúng các nơi trong và ngoài tỉnh tựu về tu học hơn 100 vị. Ban Giáo Thọ gồm chư vị Hòa thượng: Giác Tánh, Tâm Hoàn, Giác Ngộ, Bửu Quang; quý Thượng tọa: Đồng Từ; Tâm Hiện. Trường hoạt động cho đến năm 1975 thì giải tán.

Năm Nhâm Tuất – 1982, khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Ngài được mời làm Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi – Bình Định).

Năm Đinh Mão – 1987, Đại Hội Phật Giáo Việt Nam lần thứ II suy cử Ngài là Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Năm Kỷ Tỵ – 1989, nhằm tục Phật huệ đăng, truyền trì chánh pháp, Ngài cùng Chư Tôn Đức tỉnh nhà tổ chức Đại Giới Đàn Nguyên Thiều tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn. Ngài được cung thỉnh làm Đàn Chủ giới đàn này.

Năm Giáp Tuất – 1994, Ngài được cung thỉnh làm Đàn Đầu Hòa thượng trong Đại Giới Đàn Phước Huệ tổ chức tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn.

Năm Ất Hợi – 1995, Ngài mở cuộc đại trùng tu Tổ đình Thập Tháp. Công việc đang tiến hành dở dang thì sau một cơn bệnh nhẹ, Ngài đã thu thần viên tịch vào ngày mùng 5 tháng Chạp năm Ất Hợi, nhằm ngày 24 tháng 1 năm 1996, trụ thế 75 năm với 55 hạ lạp.

Trước khi viên tịch, Ngài có chấp bút đề một bài kệ phú pháp để lại cho môn đồ đệ tử như sau:

Pháp tánh bổn lai tịch
Diệu dụng thỉ kiến công
Ngã kim phú pháp nhữ
Pháp pháp tự tánh trung.

Trong suốt quãng đời hành đạo, Ngài đã có công khai sơn những ngôi chùa: Thừa Ân ở Pleiku, Viên Thông ở Tây Sơn – Bình Định; Bảo Hoa ở An Nhơn – Bình Định; Bảo Lâm, Bảo Quang, Bảo Giác ở Long Khánh – Đồng Nai.

Ngoài việc hoằng dương Phật Pháp, đào tạo Tăng tài, Ngài còn là một thi nhân, một văn sĩ được nhiều người mến mộ. Thi pháp, liễn đối của Ngài hiện diện nhiều nơi tại các tự viện trong và ngoài tỉnh. Các văn nhân, thi sĩ nổi danh thường tìm đến luận bàn văn chương thi phú với Ngài. Ngài còn để lại cho đạo, cho đời những tác phẩm:

– Bách Thành Yên Thủy của Phật Quốc Thiền Sư (dịch và tác thơ).
– Thập Mục Ngưu Đồ Tụng (dịch và tác thơ).
– Long Bích Thi Tập (I và II).
– Kim Cang Nghĩa Mạch (dịch).
– Kim Cang Trực Sớ (dịch).
– Di Đà Giảng Thoại (dịch).

Một di ảnh của Cố Hòa Thượng Kế Châu.

Nguồn: TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX – HT. Thích Đồng Bổn chủ biên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *