Triển lãm và Hội thảo Khoa học Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng

Triển lãm và Hội thảo khoa “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nơi lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa Phật giáo giá trị, một địa chỉ văn hóa vô cùng ý nghĩa này, mong muốn rằng, Chư Tôn đức Tăng ni, Phật tử và các chuyên gia, nhà khoa học giúp sức, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, trao đổi, tìm ra những nét truyền thống, đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam; đồng thời, đánh giá những điểm bất cập trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, để xây dựng, định hướng phát triển kiến trúc văn hoá Phật giáo Việt Nam đảm bảo vừa bảo tồn nét đẹp truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam, vừa hiện đại, thể hiện được nét kiến trúc Phật giáo trong thời đại mới và đáp ứng thiết thực cho nhu cầu sử dụng, sinh hoạt tôn giáo của các cơ sở tự viện trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam cách ngày nay trên 2000 năm, trong quá trình truyền bá, Phật giáo dần hình thành các cơ sở vật chất như hệ thống chùa, tháp, tự viện… Trải qua nhiều thời kì lịch sử, tùy từng vùng, miền, hệ phái, điều kiện vật chất và cách thức thờ phụng khác nhau nên bố cục mặt bằng tổng thể hay công năng sử dụng của các công trình kiến trúc Phật giáo rất đa dạng mà trong đó luôn chứa đựng, kế thừa những nét đẹp của kiến trúc truyền thống, tạo nên bức tranh chung với nhiều mảng màu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam, song vẫn có sự thống nhất trong từng hệ phái, vùng miền. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội đương đại, đô thị hóa, xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều ngôi chùa đã và đang thay đổi về kiến trúc. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo, xây mới, những tác động tưởng như rất nhẹ, song lại ảnh hưởng lớn đến hệ thống kiến trúc Phật giáo này. Thậm chí, cả những ngôi chùa đã được xếp hạng… cũng không tránh khỏi sự tu bổ, tôn tạo chắp vá. Hay để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng ngày càng cao của tín đồ Phật tử, mà trong quá trình trùng tu, mở rộng hoặc xây mới chùa còn mang nhiều phong cách khác nhau, đôi khi đi ngược với truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức triển lãm: “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng”.

Với gần 300 tư liệu, hình ảnh giới thiệu về di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam, những đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng miền; thực trạng, xu hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam; định hướng xây dựng bộ quy chuẩn và biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam… Triển lãm sẽ góp phần cung cấp tư liệu cho Hội thảo khoa học, đồng thời, thông qua triển lãm, góp phần giúp Tăng Ni, Phật tử, công chúng nhận diện bước đầu về những đặc trưng, nét đẹp, giá trị truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng như sự cần thiết định hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam phù hợp với đời sống xã hội đương đại. Từ đó, mỗi người sẽ nâng cao ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam

Trong lịch sử phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, để lại nhiều di sản văn hóa vật chất, tinh thần phong phú và có giá trị đặc sắc. Di sản kiến trúc Phật giáo bao gồm hệ thống các công trình, vật liệu, trang trí kiến trúc chùa, tháp và và hệ thống tượng thờ tự chứa đựng những giá trị tiêu biểu, đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan. Từng không gian, bộ phận, kiến trúc, trang trí trong các ngôi chùa, tháp… trở thành kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.

Đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam
Kiến trúc Phật giáo Bắc tông

Phật giáo Bắc tông du nhập vào miền Bắc Việt Nam cách ngày nay khoảng 2000 năm. Ngoài một số chùa được dựng ở những điểm thắng cảnh thiên nhiên, thì hầu hết chùa đều gắn với xóm làng (chùa làng). Những ngôi chùa Bắc tông không chỉ là nơi thờ Phật, Bồ Tát, thờ Tổ mà còn phối thờ Thánh, Thần tự nhiên, Mẫu, Hậu Phật… Tùy từng vùng, miền, hệ phái mà cách thức thờ tự có sự thay đổi khác nhau dẫn đến bố cục mặt bằng tổng thể cũng có sự đa dạng phụ thuộc vào từng công năng sử dụng. Trong đó, bố cục mặt bằng các ngôi chùa Bắc tông miền Bắc phổ biến là chữ Đinh (T), chữ Công (T), chữ Tam (:), nội công ngoại quốc (||); được thống nhất theo nguyên tắc một trục đối xứng, lần lượt từ ngoài vào là: Tam quan, sân chính điện, ở vị trí trung tâm là chính điện (Tam bảo), gác chuông (nếu có) và nhà tổ; chùa Bắc tông miền Trung đặc trưng với kiểu kiến trúc nhà Rường (bình đồ vuông) có 1 hoặc 2 chái, chữ Khẩu (II), kiểu “trùng thiềm điệp ốc” (các tòa nhà chung thềm với nhau); chùa Bắc tông miền Nam đặc trưng với kiểu nhà Bát Dần (Xếp-Đại) của người dân vùng Nam Bộ (dân gian gọi là nhà “bánh ít”, bình đồ vuông 4 mái), sau phát triển mở rộng kiểu “trùng thiềm điệp ốc”.

Theo quan niệm cổ truyền, chùa bao giờ cũng được dựng ở mảnh đất thu được khí thiêng của đất trời và hội tụ được các đặc điểm thế đất cao, mặt trước công trình quay về hướng Nam, phía trước có dòng chảy hoặc ao hồ. Ngoài chính điện, chùa hệ phái Bắc tông còn có các tháp (tháp Phật, tháp mộ), hành lang liên kết, khu vực tiếp khách, chỗ nghỉ cho khách, nơi ở và sinh hoạt của các nhà sư trụ trì; không gian còn lại là cảnh quan mặt nước, cây xanh, sân vườn và các công trình kiến trúc nhỏ như: thủy đình, cầu, núi đá,…

Về kiến trúc xây dựng công trình theo cách thức truyền thống, hệ khung chịu lực chủ yếu làm bằng gỗ với liên kết vì, kèo, xà, mộng. Bố cục Phật điện thay đổi theo thời điểm nhằm đáp ứng về sự gia tăng số lượng tượng pháp và nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng

Trang trí mỹ thuật, chạm khắc đều thể hiện dấu ấn của thời đại, đề tài trang trí, hoa văn, hình tượng truyền tải được tư tưởng, triết lý, tinh thần của Phật giáo đồng thời phản ánh chân thực quan niệm của người đương thời về nhân sinh quan, vũ trụ. Về màu sắc ngôi chùa với các màu chủ đạo là vàng, nâu mang đậm nét mộc mạc, tự nhiên tạo sự linh thiêng nhưng vẫn gần gũi, thân quen.

Kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer

Phật giáo Nguyên thuỷ (Therevada) còn gọi là Phật giáo Nam tông hình thành ngay trong thế kỷ đầu tiên sau khi đức Phật Thích Ca viên tịch (thế kỷ VI TCN).

Phật giáo Nam tông Khmer phân bố chủ yếu ở miền Nam. Ngôi chùa không chỉ là không gian tín ngưỡng mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, trung tâm văn hóa, nghệ thuật; là ngôi trường cho con em người Khmer tu học. Chùa thường được xây dựng trong khuôn viên cây xanh đặc trưng của vùng như cây sao, thốt nốt… Ngôi chính điện là công trình quan trọng nhất của ngôi chùa Khmer, thường có từ 7 đến 9 gian, được quy hoạch trên nền đất cao với ba cấp nền, có tường rào bao quanh. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật, được bố cục theo chiều Đông – Tây, từ đó được định vị cho các công năng kiến trúc khác trong chùa. Dáng chính điện thường có 2 dạng là dạng nguyên bản (tam giác cân) không có chóp nhọn và dạng thức đương đại phát triển phần tháp nhọn. Mái chính điện thường có 2 hoặc 3 cấp (lớp). Trang trí phổ biến là hình rồng, thần Keynor, thần Krud, hoa lá, hoa lửa, hoa văn Angkor; hai bên bậc tam cấp trang trí hình rắn thần Nagar, hình tượng chằn (Yeak – đứng bảo vệ Phật pháp); trong chính điện trang trí các bức tranh kể về cuộc đời Đức Phật. Màu sắc chủ đạo của ngôi chùa là màu vàng, làm nổi bật công trình kiến trúc trong vườn cây xanh. Trong chính điện, ban thờ Phật nằm ở phía Tây, thờ Đức Phật Thích Ca ngự trên bồ đoàn có quy chuẩn tỷ lệ vàng (tam giác đều).

Ngoài chính điện, còn có các công năng: tam quan/cổng chùa, nhà hội (Sa la), cột cờ, tăng xá, nhà hỏa táng và hệ thống tháp gồm có 3 dạng: tháp lớn, tháp gia tộc, tháp hội (tháp cộng đồng).

Kiến trúc Phật giáo Nam tông Kinh

Phật giáo Nam Tông Kinh bắt đầu du nhập từ Campuchia vào cộng đồng người Việt vào đầu thế kỷ 20, chủ yếu phân bố ở miền Nam và một số ít rải rác ở miền Trung.

Ngôi chùa đầu tiên thuộc hệ phái này được xây dựng là chùa Bửu Quang (thành phố Hồ Chí Minh) và những ngôi chùa tiêu biểu như: chùa Hộ Pháp (Bà Rịa Vũng Tàu), chùa Pháp Bảo (Tiền Giang), chùa Bửu Long (thành phố Hồ Chí Minh), thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai).

Chính điện thường quay hướng Đông, phương cách này ảnh hưởng Phật giáo Campuchia. Trong chính điện chỉ thờ tượng Phật Thích Ca, trang trí các bức tranh kể về cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Kiến trúc Phật giáo Nam tông Kinh đến nay chưa tạo được đặc trưng riêng mà khá đa dạng về phong cách kiến trúc, nhưng điểm chung nhận diện đó là chúng luôn nổi bật với ngọn tháp lớn, vươn lên cao. Ngôi tháp có mặt bằng hình tròn hoặc hình vuông như những tòa tháp của Myanmar, Thái Lan…

Kiến trúc Phật giáo Khất sỹ

Phật giáo Khất sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập vào năm 1944, với chí nguyện “Nối truyền Thích ca chính pháp”. Nơi thờ tự, tu trì của các nhà tu hành thuộc hệ phái Khất sĩ gọi là Tịnh xá – nguyên gốc tiếng Phạn là “Vih-ra”, vốn có nghĩa là một trú xứ thanh tịnh, u tịch. Tên gọi thường có hai chữ, đứng đầu thường là chữ Ngọc, còn chữ thứ hai, Tổ sư và chư Trưởng lão tăng, ni, có thể chọn tên địa phương để đặt.

Về kiến trúc, chính điện tịnh xá có mặt bằng nền hình bát giác, o2 tầng mái (tầng trên 4 mặt mái, tầng dưới có 8 mặt mái). Bộ khung cấu trúc được đỡ bởi o4 cột cái lớn ở chính giữa và o8 cột quân xung quanh.

Chính điện hình bát giác do vị Tổ sư Minh Đăng Quang sáng chế với ý nghĩa hình bát giác tượng trưng cho Bát Chính Đạo; cổ lầu tứ giác tượng trưng cho Tứ Diệu Đế; bốn cột lớn trong lòng chính điện tượng trưng cho Tứ Chúng (Ty kheo, Ty kheo ni, Cư sĩ nam và Cư sĩ nữ) cùng nhau nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp. Trên đỉnh chính điện là hình hoa sen hoặc ngọn đèn Chân lý biểu trưng cho sự thanh tịnh hoặc ánh sáng chân lý soi sáng cho muôn loài chúng sinh.

Bên trong chính giữa chính điện đặt một tòa tháp bằng gỗ thờ tượng Bổn Sư Thích Ca. Mái tòa tháp được tạo bởi 3 cấp tượng trưng cho 3 nấc thang tiến hóa tâm linh của chúng sinh hữu tình từ lục phàm lên tứ thánh và tam tôn. Về màu sắc ngôi tịnh xá với màu chủ đạo là vàng hoại sắc thống nhất với màu pháp phục của hệ phái Khất sĩ.

Ngoài chính điện, tịnh xá còn có các công năng: cổng, tháp, trai đường, giảng đường, thiền đường, tịnh cốc…

Một số công trình Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay, nhu cầu tu tập, sinh hoạt tâm linh, tổ chức nghi lễ, sự kiện Phật giáo với số lượng lớn Phật tử, công chúng tại các cơ sở tự viện Phật giáo ngày càng cao thì không gian chùa đang dần trở nên chật chội, do đó xu hướng cải tạo, mở rộng không gian chùa cũ trên cơ sở xây dựng mở rộng công năng công trình sẵn có hoặc lắp ráp, bổ sung công trình tạm thời bằng khung sắt, mái tôn… hoặc xây dựng bổ sung công năng mới vào những phần diện tích đất còn trống trong không gian chùa… Bên cạnh đó, đối với các công trình xây mới thì có xu hướng phát triển bề thế, quy mô rộng lớn, vật liệu xây dựng nhân tạo, hiện đại và có nhiều ưu việt, bền vững, kiên cố. Việc mở rộng công năng, diện tích tích sử dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu tu tập, sinh hoạt tâm linh của Phật tử, công chúng nhưng đôi chỗ còn chưa đảm bảo kế thừa những giá trị, đặc trưng văn hóa truyền thống cũng như tư tưởng, tinh thần cốt lõi của Phật giáo.

Đề xuất ý tưởng

Biểu tượng chung Kiến trúc Phật giáo Việt Nam

Ở Việt Nam, trong lịch sử, đã có những thời kì Phật giáo phát triển hưng thịnh như thời Lý, Trần (thế kỷ 11 – 14), các biểu tượng Phật giáo cũng được nghiên cứu, thể hiện rất phong phú và phát huy hiệu quả. Các biểu tượng Phật giáo đó đóng vai trò quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, gần đây, những biểu tượng Phật giáo dần vắng bóng do đó, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài rất phổ biến. Như vậy, vô hình chung, chúng ta không chỉ là nhân tố tích cực truyền bá văn hóa nước ngoài mà còn làm mất cơ hội cho nỗ lực kế thừa, phát huy văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù biểu tượng Phật giáo là vô cùng phong phú, đa dạng có ý nghĩa sâu sắc về nội dung, mỹ thuật theo các hệ phái, vùng miền nhưng cho đến nay, chưa có sự thống nhất về biểu tượng chung nhận diện cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam mà vẫn sử dụng các biểu tượng chung của Phật giáo thế giới hoặc biểu tượng riêng trong từng hệ phái Phật giáo Việt Nam…

Phật giáo là một tôn giáo lớn và là một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam đồng thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất không chỉ về tổ chức mà còn về tư tưởng, quản lý, hành động… Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu, định hướng xây dựng bộ quy chuẩn kiến trúc Phật giáo Việt Nam thì việc xây dựng biểu tượng chung nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam là vấn đề cần thiết và cấp thiết nhằm tạo nên tính thống nhất (thống nhất trong đa dạng) trong nhận diện kiến trúc Phật giáo cho các hệ phái, vùng miền trên phạm vi cả nước, tạo sự thống nhất, tôn nghiêm, khẳng định vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam cũng như góp phần định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Biểu tượng chung Kiến trúc Phật giáo Việt Nam (Logo)

Ý tưởng biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam (thể hiện dưới dạng logo) được kết hợp đặc trưng họa tiết hoa văn trống đồng Đông Sơn (biểu tượng cho văn hóa dân tộc Việt Nam) với biểu tượng tiêu biểu của Phật giáo, logo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (hoa sen, chữ Vạn, bánh xe chuyển pháp luân), biểu thị ý nghĩa Đạo pháp – Dân tộc (Đạo pháp trong lòng Dân tộc).

Trụ kinh Chuyển Pháp Luân

Trụ Kinh Chuyển Pháp Luân được tạo dựng nhằm tôn vinh và lan tỏa tinh thần, giá trị cốt lõi những lời dạy của Đức Phật trong Kinh Chuyển Pháp Luân. Trụ kinh là sự kế thừa, phát huy ý nghĩa, tinh hoa Trụ đá của vua A Dục (272-236 TCN) ghi dấu những bước chân hoằng hóa độ sinh của Đức Phật ở Ấn Độ đương thời và Trụ Kinh Lăng Nghiêm thời Tiền Lê (thế kỷ 10) dựng tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình). Trụ Kinh Chuyển Pháp Luân được dựng lên còn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng ngôn ngữ văn hóa Phật giáo và tinh thần dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Ban văn hoá Trung ương triển khai đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Trong mấy năm vừa qua, đã phối hợp với nhiều cơ quan trong và ngoài giáo hội triển khai nhiều chuyến khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước tại khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, tổ chức hàng chục cuộc toạ đàm, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hoá, tôn giáo, chư tôn đức tăng ni lãnh đạo các Ban trị sự PGVN các tỉnh. Cuộc hội thảo khoa học hôm nay chính là sự tổng kết các hoạt động triển khai đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam mà Ban văn hoá Trung ương đã thực hiện trong mấy năm vừa qua. Hội thảo có sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện bảo tồn di tích và Bảo tàng lịch sử Quốc gia thuộc Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Hội thảo Kiến trúc Phật giáo Việt Nam tập trung vào các nội dung chính như sau:

Thứ nhất, tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề chung về kiến trúc Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam như quá trình phát triển của kiến trúc Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam, đặc điểm kiến trúc Phật giáo Việt Nam các giai đoạn, đặc điểm của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong các hệ phái, tính thống nhất, tính đa dạng của kiến trúc Phật giáo, đặc trưng kiến trúc Phật giáo khu vực Bắc Bộ, nam Bộ, miền TrungTây Nguyên, v.v..

Thứ hai, tập trung làm rõ thực trạng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay trên nhiều phương diện như thực trạng xây dựng mới, thực trạng trùng tu, phục dựng các công trình, thực trạng quy hoạch mặt bằng, thực trạng chất liệu xây dựng, thực trạng trang trí, mỹ thuật… Đặc biệt, tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập, những yếu tố phi truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay..

Thứ ba, tập trung làm rõ vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, đề xuất những giải pháp trong kiến trúc, giải pháp trong bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc. Đặc biệt là thảo luận, đề xuất những nguyên tắc, định hướng nhằm hướng tới xây dựng bộ tiêu chí, tài liệu hướng dẫn đối với việc xây dựng mới, trùng tu, phục dựng các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Hội thảo cũng hướng đến việc tìm kiếm biểu tượng chung của kiến trúc Phật giáo Việt Nam và trụ kinh chuyển pháp luân.

Hội thảo đã nhận 72 báo cáo tham luận của chư tôn đức Hoà thượng, thượng toạ, đại đức, tăng ni, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trên khắp cả nước. Các bài tham luận từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau đã đề cập đến các chủ đề với nội dung phong phú, nhiều bài viết hết sức công phu, giá trị. Có thể xếp các bài viết thành các chủ đề với nội dung chính như sau:

Thứ nhất, đối với chủ đề thứ nhất Kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, nhiều bài viết đã làm rõ lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ những giai đoạn đầu khi mới du nhập cho đến giai đoạn hiện nay. Các báo cáo đã chỉ ra những nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo qua mỗi thời kỳ, đồng thời chỉ ra sự biến đổi của kiến trúc Phật giáo. Bên cạnh đó, nhiều bài viết đã làm rõ đặc trưng kiến trúc của các hệ phái như Bắc tông, Nam tông, Khất sỹ, Hoa tông, Nam tông kinh. Nhiều báo cáo đã đi sâu phân tích tính đa dạng của Phật giáo tại các khu vực, vùng miền trên cả nước. Không những thế, các bài viết đã góp phần chỉ ra giá trị của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trên nhiều phương diện như giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị văn hoá, v.v..

Thứ hai, về chủ đề Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay. Các báo cáo trong chủ đề này đã tập trung trình bày thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Không chỉ làm rõ thực trạng kiến trúc trên các phương diện như quy hoạch, thiết kế, cấu trúc, chất liệu, trang trí hoa văn, hoạ tiết, mỹ thuật, bài trí đối tượng thờ cúng, v.v.. các bài viết còn chỉ ra thực trạng kiến trúc của mỗi khu vực, vùng miền. Đặc biệt, nhiều bài viết đã chỉ ra những hạn chế, bất cập, những yếu tố phi truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay như thiếu quy hoạch tổng thể; trùng tu, xây dựng làm mất đi yếu tố truyền thống; nhiều công trình lai căn, không kế thừa giá trị di sản kiến trúc truyền thống; các yếu tố hạng mục trong tổng thể công trình không hài hoà, phá vỡ tổng thể; nhiều yếu tố hoa văn, hoạ tiết, trang trí không phù hợp xuất hiện trong các ngôi chùa; không gian cảnh quan bị thu hẹp, công tác bảo tồn, phát huy có rất nhiều sai sót, bất cập, v.v..

Thứ ba, về chủ đề Định hướng, giải pháp kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Các bài viết trong chủ đề này đã tập trung phân tích việc bảo tồn, giữ gìn di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập cũng như định hướng cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng các nguyên tắc, quy chuẩn, tiêu chí …. Hay các tài liệu hướng dẫn đối với hoạt động xây dựng, trùng tu, phục dựng các công trình kiến trúc Phật giáo. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng, thiết kế biểu tượng thống nhất của kiến trúc Phật giáo Việt Nam như biểu tượng bánh xe chuyển pháp luân gắn trên các công trình kiến trúc và trụ kinh chuyển pháp luân. Các báo cáo cũng đề xuất nhiều giải pháp như thành lập các ban kiến trúc Phật giáo nhằm hướng dẫn, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình, có ý kiến cho rằng cần nâng cao nhận thức, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ tăng ni, những người tham gia xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo. Rất nhiều các ý kiến đều đồng thuận cho rằng, việc kiến thiết, xây dựng các công trình cần được quản lý bởi các cơ quan chuyên môn, tuân thủ các nguyên tắc, định hướng, hướng dẫn… để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Các bài viết của các chư tôn đức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với chủ đề Hội thảo. Các bài viết đã góp phần làm rõ nhiều phương diện khác nhau của kiến trúc Phật giáo, không chỉ là phương diện tư tưởng, triết lý của Phật giáo, của văn hoá truyền thống, mà còn là những phương diện rất chuyên sâu như quy hoạch, bố cục, kết cấu, chất liệu, trang trí hoa văn, hoạ tiết, mỹ thuật, v.v.. Không chỉ làm rõ phương diện kiến trúc nói chung, các báo cáo còn làm rõ những vấn đề cụ thể trong từng hệ phái, từng loại hình kiến trúc Phật giáo. Qua đó, giúp chúng ta hiểu thêm về tính thống nhất, tính đa dạng, tính vùng miền, tính lịch sử, tính dân tộc, tính biến đổi, tính kế thừa, v.v.. của kiến trúc Phật giáo. Đồng thời, giúp chúng ta có một cái nhìn tương đối toàn diện cũng như một thái độ ứng xử phù hợp, đúng đắn hơn với kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *