Thờ cúng tổ tiên – Nét đẹp văn hóa của người Việt Nam

Bàn thờ gia tiên được lập ra để tưởng niệm, ghi nhớ ân đức sinh dưỡng của tổ tiên, ông bà. Bàn thờ gia tiên biểu trưng cho cội nguồn huyết thống (song hành với cội nguồn tâm linh – bàn thờ Phật), cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tông.

Từ ngàn xưa, ông bà ta đã dạy: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và cũng từ rất lâu thì con người đã biết đến nghi lễ thờ cúng. Từ nghi lễ thờ cúng trong cộng đồng, dần dần hình thành các tôn giáo khác nhau với những nghi lễ thờ cúng cũng có phần khác nhau. Việc tế lễ thờ phụng cũng khởi nguồn cho nghi thức cúng tế tổ tiên và thần linh. Có thể nói, nghi thức tế lễ, thờ phụng được hình thành và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Nghi thức tế lễ cho dù biến chuyển qua từng giai đoạn khác nhau nhưng sẽ mãi đồng hành cùng con người bởi “Con người có tổ, có tông. Như chim có tổ, như sông có nguồn.

Đối với người Việt, thờ cúng đã trở thành “Lễ nghi phong hóa” tức là việc thờ cúng đã được chuẩn hóa theo quy củ, trật tự và trở thành phong tục tập quán của cả dân tộc. Thờ cúng là vấn đề tâm linh, đó cũng là điều thiêng liêng thấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam. Trong xã hội Việt từ cổ đại đã tồn tại mối quan hệ dòng họ sâu sắc xây dựng trên cơ sở huyết thống. Do vậy, ngoài tín ngưỡng tôn giáo thì người dân Việt Nam rất chú trọng đến thờ cúng tổ tiên, ông bà. Người Việt Nam có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha thờ mẹ mới là chân tu”.

 

Đối với người Việt, thờ cúng đã trở thành “Lễ nghi phong hóa” tức là việc thờ cúng đã được chuẩn hóa theo quy củ, trật tự và trở thành phong tục tập quán của cả dân tộc. Ảnh: Tâm Linh Việt
Đối với người Việt, thờ cúng đã trở thành “Lễ nghi phong hóa” tức là việc thờ cúng đã được chuẩn hóa theo quy củ, trật tự và trở thành phong tục tập quán của cả dân tộc. Ảnh: Tâm Linh Việt
 

Thờ cúng ông bà tổ tiên là phong tục tốt đẹp của các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Khi đạo Phật được du nhập vào thì có sự giao thoa, tiếp biến có chọn lọc với các tín ngưỡng bản địa, và phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên vẫn được trân trọng, duy trì trong đời sống tâm linh của người Phật tử Việt từ xưa cho đến tận ngày nay. Bấy giờ, người Phật tử vẫn thờ cúng ông bà tổ tiên nhưng với cái nhìn mới, đa văn hóa, vừa phù hợp với truyền thống dân tộc và vừa thuận hợp với quan điểm Phật giáo.

Trước hết, người Phật tử không xem bàn thờ gia tiên là “nơi ở” của ông bà, tổ tiên, những người thân đã khuất nói chung (vì biết rõ chư vị đã theo nghiệp tái sinh trong lục đạo rồi). Bàn thờ gia tiên được lập ra để tưởng niệm, ghi nhớ ân đức sinh dưỡng của tổ tiên, ông bà. Bàn thờ gia tiên biểu trưng cho cội nguồn huyết thống (song hành với cội nguồn tâm linh – bàn thờ Phật), cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tông. Kính thờ tổ tiên để bày tỏ lòng hiếu thảo, thể hiện tâm nhớ ơn và hoài nguyện đền đáp ơn sâu nghĩa nặng, chính điều này đã un đúc và hình thành nên truyền thống hiếu nghĩa quý báu của người Phật tử.

Cúng kiếng cũng vậy, người Phật tử cũng biết rõ, nếu ông bà tổ tiên tái sinh ngoài cõi ngạ quỷ – quỷ thần (không tương ưng xứ) thì không thể ăn uống hay thọ dụng những lễ phẩm dâng cúng ấy. Đơn cử, chư thiên không ăn được vì họ thấy dơ bẩn, không xứng với họ. Các loài trong địa ngục dù đói khát đến mấy cũng không thể thoát ngục để tới uống ăn. Chỉ riêng loài ngạ quỷ – quỷ thần là có thể ăn đồ cúng của loài người. Nếu người thân của chúng ta chết rồi tái sinh làm ngạ quỷ thì cúng kiếng cho họ sẽ thọ dụng được. Nhưng hầu hết chúng ta lại không thể biết người thân của mình chết rồi tái sinh về đâu. Thành ra lễ phẩm dâng cúng ông bà tổ tiên chủ yếu nhằm thể hiện lòng thành, là bổn phận của con cháu, còn thọ dụng được hay không thì tùy nhân duyên của các vị.

 

Giáo lý đạo Phật đề cao tinh thần hiếu đạo, kính thờ và phụng dưỡng cha mẹ mang lại phước báo lớn… đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt để trở thành nếp sống đạo đức, hiếu thảo của người Phật tử Việt hiện nay. Ảnh: Tâm Linh Việt
Giáo lý đạo Phật đề cao tinh thần hiếu đạo, kính thờ và phụng dưỡng cha mẹ mang lại phước báo lớn… đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt để trở thành nếp sống đạo đức, hiếu thảo của người Phật tử Việt hiện nay. Ảnh: Tâm Linh Việt
 

Như vậy thờ cúng là để bày tỏ tâm hiếu thảo, biết ơn và đền ơn công đức sinh dưỡng sâu nặng của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Truyền thống của tổ tông, gia tộc là một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại. Chúng ta tự hào về tổ tiên nên nguyện sống tốt, xứng đáng là con hiền cháu thảo. Nếu mất gốc rễ, không thờ cúng, quên dấu vết cội nguồn huyết thống là một sự vong bản, phi đạo đức. Đó là lợi ích đầu tiên của việc thờ cúng gia tiên.

Kế đến, vì tưởng nhớ niệm ân ông bà tổ tiên nên con hiền cháu thảo phát đại nguyện làm tất cả công đức thiện lành trong khả năng để hồi hướng phước báu cho họ. Phật giáo khuyến khích làm phước để hồi hướng cho người thân đã khuất, dầu họ tái sinh vào đâu cũng nhận được phước đức do con cháu hiếu thảo hồi hướng đến. Cho nên người Phật tử không quá chú trọng đến mâm cao cỗ đầy rồi thù tạc linh đình trong những ngày tưởng niệm, giỗ chạp mà chủ yếu là tạo phước để hồi hướng, trao truyền hiếu đạo cho người sau.

Thành ra, người Phật tử không hề xem việc thờ cúng tổ tiên ông bà là “thờ quỷ” như một số người vong ơn, bội nghĩa, bất hiếu, tà kiến quan niệm. Thờ cúng tổ tiên để liên kết với quá khứ mà phát huy các giá trị sống tốt đẹp cho hiện tại. Thờ cúng ông bà cha mẹ để thực tiễn hóa ý niệm tri ân và báo đáp thâm ân sinh dưỡng. Thờ cúng đồng thời cũng là cách giáo dục lòng hiếu thảo cho con cháu về sau. Giáo lý đạo Phật đề cao tinh thần hiếu đạo, kính thờ và phụng dưỡng cha mẹ mang lại phước báo lớn… đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt để trở thành nếp sống đạo đức, hiếu thảo của người Phật tử Việt hiện nay.

 

Lâm Linh (TH)
Nguồn: phatgiao.org.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *