Tiểu Sử Ni Trưởng Thích Nữ Hạnh Giáo

Chân dung Ni Trưởng Thích Nữ Hạnh Giáo

 

NI TRƯỞNG Thượng HẠNH Hạ GIÁO

Nguyên Ủy viên Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định

Nguyên Ủy viên MTTQVN tỉnh Bình Định

Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội lên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định

Nguyên Chánh thư ký Phân Ban ni giới Bình Định

Viện chủ chùa Phổ Minh, Tp Quy Nhơn

I/ THÂN THẾ:

 Ni trưởng thế danh Phan Thị Hòa, húy Thượng NGUYÊN Hạ PHẨM, hiệu Pháp Lý, tự Hạnh Giáo, thuộc dòng kệ Liễu Quán đời thứ 44. Sinh ngày 08/2/1948 tại thôn Phương Phi, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Phan Tế rất uyên thâm về Nho giáo, thân mẫu là cụ bà Đỗ thị Dư, pháp danh Nguyên Khánh. Gia đình gồm có bốn người con, hai nam và hai nữ, Ni trưởng là con thứ. Tuy là thân nữ nhưng bẩm chất thông minh, siêng năng, chịu khó nên được thân phụ rất yêu thương và dạy bảo cặn kẻ từ việc học hành đến việc ứng xử. Song thân là phật tử thuần thành, thâm tín phật pháp lại là gia đình nho giáo thuần lương. Thuở thiếu thời Ni trưởng thường được mẫu thân dẫn đến chùa Linh Phong để lạy Phật, tụng kinh, bái sám…, Nhờ gieo trồng chủng tánh Phật pháp từ nhiều đời nhiều kiếp nên tuy tuổi còn nhỏ nhưng Ni trưởng rất say mê kinh điển và những nghi thức thiền môn. Cũng từ đó ý chí xuất trần khơi dậy trong tâm trí mạnh mẽ nên Ni trưởng quyết định rời xa gia đình, xuất gia học đạo giải thoát.

II/ THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC

Năm 12 tuổi (1960), được sự đồng ý của song thân, Ni Trưởng phát nguyện xuất gia tu học tại chùa Linh Phong thuộc thôn Phương Phi, xã cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Năm 14 tuổi (1962), Ni trưởng được Hòa Thượng Thượng TÂM Hạ THANH trú trì chùa Linh Phong làm lễ thế phát và cho pháp danh là Nguyên Phẩm.

Năm 17 tuổi (1965), sau 5 năm tu học tại chùa Linh Phong, thấy đồ đệ tư chất thông minh, lanh lợi nhưng lại thân nhi nữ, thời kỳ chiến tranh loạn lạc không thuận tiện ở lại nơi núi rừng hiểm trở bom đạn liên miên. Lúc bấy giờ Hòa thượng thấy ở Bình Định đã có ni giới sinh hoạt nên dẫn Ni trưởng xuống núi và gửi cho Ni Trưởng thượng TÂM hạ Hoa, trú trì chùa Tâm Ấn nhận làm đồ đệ để thuận tiện cho việc cần cầu giới pháp về sau.

Năm 20 tuổi (1968) thọ giới Sa di ni tại Giới đàn Ni viện Diệu Quang, Nha Trang. Giới đàn này do Ni Trưởng thượng Đàm hạ Hương làm Hòa thượng Đường đầu và được Bổn Sư là Ni trưởng Thượng Tâm hạ Hoa, trú trì chùa Tâm Ấn, Tp Quy Nhơn cho pháp tự: Hạnh Giáo, hiệu: Pháp Lý

Cuối năm 1968 và những năm về sau, Ni trưởng theo học các lớp gia giáo như: Học kinh và nghi lễ với Hòa thượng chùa Thọ Sơn  Tuy Phước, học kinh với Hòa Thượng thượng Tâm hạ Hoàn, Hòa Thượng thượng Tâm Hạ Hiện Tổ Đình Long Khánh – Quy Nhơn, Hòa Thượng thượng Giác hạ Tánh Tổ Đình Thiên Đức – Tuy Phước, Hòa Thượng thượng Đồng hạ Từ Tu Viện Nguyên Thiều – Tuy Phước. . .

Năm 22 tuổi (1970) thọ giới Thức Xoa ma na tại Giới đàn chùa Hồng Ân, Thừa Thiên – Huế. Giới đàn này do Ni Trưởng thượng Diệu hạ Không làm Hòa thượng Đường đầu.

Năm 27 tuổi (1975) thọ Tỳ Kheo ni giới tại Giới đàn chùa Từ nghiêm, Sài Gòn. Giới đàn này do Ni Trưởng thượng Như hạ Chí làm Hòa thượng Đường đầu.

III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

Sau khi thọ giới tỳ Kheo năm 1975, Ni trưởng vẫn ở lại chùa Tâm Ấn để phụ giúp công việc Phật sự cùng Bổn sư và tiếp tục theo học các lớp kinh điển gia giáo.

Năm 1985 tham gia Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định

Năm 1989, với sự thỉnh cầu tha thiết của ban Hộ tự chùa Tháp Đôi, phường Đống Đa, Tp Quy Nhơn và được sự đồng ý của Bổn sư, Ni trưởng nhận lãnh trách nhiệm trú trì và hướng dẫn tín đồ phật tử nơi đây tu học.

Ni trưởng là người đệ tử rất có hiếu với Thầy Tổ nên mặc dù đã đi trú trì nhưng hằng ngày Ni trưởng đều trở về chùa Tâm Ấn để phụ giúp công việc Phật sự cùng thầy mình, chiều khoảng 4-5 giờ mới trở về chùa Tháp Đôi trong suốt nhiều năm như vậy.

Năm 1992, Chư Tôn Đức Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định mở Trường Cơ Bản Phật học tại Tu Viện Nguyên Thiều. Lúc bấy giờ Ni chúng khóa I chưa có chỗ ở nội trú, chỉ tạm trú tại chùa Thiên Hòa. Vâng lời chỉ dạy của Bổn Sư, mấy tháng đầu khi ni sinh tập trung ở nội trú, Ni Trưởng thường xuyên lên xuống phụ giúp cùng Ni Trưởng Hạnh Nhuận nhắc nhở và sắp xếp ổn định ni chúng. Rồi mùa mưa lại đến, nước sông côn dâng cao, nhìn thấy chúng ni sinh đi học phải qua đò rất là nguy hiểm, vả lại thấy Bổn Sư ngày đêm suy tư về nơi ăn chốn ở cho đàn hậu học, Ni Trưởng rất chạnh lòng.

Sau khi được sự chuẩn thuận của Chư Tôn Đức trưởng lão sáng lập tu Viện Nguyên thiều và Chư Tôn Đức trong Ban Trị Sự tỉnh cho phép xây dựng khu nội trú ni sinh ở đồi phía sau tôn tượng Bổn Sư Thích Ca. Ni Trưởng thay lời Bổn Sư viết thư sang Mỹ nhờ Sư Bà Nguyên Thanh kêu gọi sự ủng hộ tài chánh từ hải ngoại. Với sự đồng tình của Chư Tôn Đức ni trong bản tỉnh và sự hoan hỷ của Sư bà Nguyên Thanh nên không bao lâu nguồn kinh phí cũng tạm ổn. Để có nơi ăn ở ổn định cho ni sinh, Ni Trưởng tiếp tục thay Bổn Sư trông nom, quản lý việc xây dựng cơ sở Cư xá ni đến giữa năm1993 thì hoàn thành.

Cuối năm 1993, ngôi chánh điện chùa Tâm Ấn đã bị xuống cấp hư hỏng nặng nên Bổn Sư quyết định trùng tu trở lại. Thấy Bổn Sư tuổi già sức yếu nên Ni trưởng phát tâm thay Thầy trông nom việc xây dựng lại ngôi Đại hùng bảo điện chùa Tâm Ấn.

Năm 1995 tham gia làm Ủy viên Mặt Trận TQVN Tp Quy Nhơn và tỉnh Bình Định

Năm 1999, quản chúng Ni sinh năm học cuối của Khóa II trường TCPH Bình Định

Năm 2001 tiếp tục trông nom việc xây dựng lại nhà Hậu tổ chùa Tâm Ấn. Sau khi chánh điện và nhà tổ chùa Tâm Ấn được hoàn thành, Ni trưởng thấy sức khỏe của mình đã giảm sút không còn như trước nữa nên xin phép Bổn sư ở lại chùa Tháp Đôi để hướng dẫn phật tử tu học, thỉnh thoảng mới về thăm Thầy.

Mặc dù Phật sự đa đoan nhưng Ni Trưởng vẫn không quên kiên trì giới luật và sách tấn hàng đệ tử tinh tấn tu học. Mỗi năm vào mùa an cư kiết hạ tại chùa Tâm Ấn, Ni Trưởng thường dạy luật Tỳ Kheo ni và Luật Trường hàng cho ni chúng và dạy Phật pháp căn bản cho phật tử.

Năm 2009, Phân Ban đặc trách Ni Giới Bình Định được thành lập, Ni trưởng giữ chức vụ Chánh Thư ký trong suốt 02 nhiệm kỳ.

Năm 2010, Đệ thất Tôn chứng Đại Giới đàn Cam Lộ do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Gia Lai tổ chức

Cuối năm 2010, để hoàn thành khu di tích Tháp Đôi nên nhà nước đã giải phóng mặt bằng chùa Tháp Đôi và cấp đất tại khu tái định cư, đảo 1B, Bắc sông Hà Thanh cũng thuộc phường Đống Đa, Tp Quy Nhơn.

Tháng 10/2011 lễ đặt đá khởi công xây dựng chùa Tháp Đôi tại khu đất tái định cư, Bắc sông Hà Thanh. Ni Trưởng nhận thấy ở khu đất mới này cách xa Tháp Đôi, không còn là di tích của Tháp Đôi nữa nên làm đơn xin phép Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh cũng như Ủy Ban nhân dân tỉnh cho phép đổi tên chùa Tháp Đôi thành chùa Phổ Minh. Trong khoảng thời gian gần sáu năm xây dựng, mặc cho sức khỏe của Ni Trưởng hao mòn theo năm tháng, có những lúc gần như cạn kiệt không còn sức chịu đựng được nữa nhưng với tâm nguyện phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật và sự gia hộ của Chư Phật, Chư Đại Bồ tát, sự hỷ cúng của Chư tôn Đức và quý phật tử, cuối cùng ngôi Bảo điện chùa Phổ Minh cũng được hoàn thành vào đầu năm 2016.

Năm 2015, Đệ lục Tôn chứng Đại Giới đàn Cam Lộ – Giác Ngộ do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Gia Lai tổ chức.

Năm 2017, Đệ lục Tôn chứng Đại Giới đàn Tâm Hoàn do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức.

Ni Trưởng thuở thiếu thời rất cần mẫn siêng năng, tâm chí nhu hòa, tinh tấn tu học, hiếu thảo Thầy tổ. Tuổi trưởng thành trải thân hành đạo, mở lòng phụng sự đạo pháp chẳng từ lao nhọc. Đối với công tác Phật sự chung, Ni trưởng luôn thuận tùng theo tôn ý của các bận Tôn túc, gắng hết sức mình để phụng sự đạo pháp và chúng sanh. Trên nhờ hồng đức Đại Tăng, dưới được ni chúng huynh đệ yểm trợ nên mọi công tác Phật sự đều được thành tựu viên mãn.

Một đời người, một hạnh nguyện, tận tâm vì phật pháp, tận lực với chúng sanh, công đức và đạo hạnh của Ni Trưởng luôn là niềm tin và là tấm gương sáng cho đàn hậu học và tín đồ phật tử noi theo.

THỜI KỲ VIÊN TỊCH:

Trên bước đường phụng sự đạo pháp gần 40 năm, những tưởng Ni Trưởng vẫn tiếp tục cuộc hành trình vì lợi ích chúng sanh, vẫn cộng hành cùng chúng tôi phát triển Ni giới tỉnh nhà. Nhưng than ôi! Ngày tháng trôi qua, thân tứ đại cũng hao mòn theo năm tháng, thân giả tạm này tuy có nhiều bệnh duyên, nhưng tinh thần của Ni Trưởng vẫn sáng suốt minh mẫn cho đến giây phút xả bỏ huyễn thân, an nhiên thị tịch vào lúc…. Sự ra đi của Ni Trưởng đã để lại bao niềm tiếc thương vô hạn của chư pháp lữ, của môn nhơn pháp quyến và của biết bao nhiêu tín đồ phật tử.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tôn Tứ Thập Tứ thế, húy thượng NGUYÊN hạ PHẨM, tự Hạnh Giáo, Hiệu Pháp Lý Ni trưởng Giác linh tân viên tịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *