Tiểu Sử Ni Trưởng Thích Nữ Từ Trí (1936-2019)

Chân dung cố Ni Trưởng Thích Nữ Từ Trí

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

NI TRƯỞNG THÍCH NỮ TỪ TRÍ

(1936 – 2019)

1.THÂN THẾ:

Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Chịu, huý Nhuận Thọ, tự Như Trí, hiệu Từ Trí, thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 46. Sinh ngày 20 tháng 12 năm 1936 (Bính Tý) tại thôn Vạn Ninh, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Trung, thọ tam quy ngũ giới Pháp danh Quảng Chung, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Chinh, thọ tam quy ngũ giới Pháp danh Quảng Đông.  Song thân của Ni trưởng đều là Phật tử thuần thành, kính tín Tam bảo, từng hiến đất và vận động các đạo hữu trong làng cùng xây dựng tạo lập nên  chùa Vạn Đức, tại tại thôn Vạn Ninh, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định nhờ đó mà Phật tử trong làng có nơi để kính thờ tam bảo và sớm hôm cùng nhau kinh kệ. Gia đình Ni trưởng có 6 anh chị em, ngay từ  nhỏ, Ni trưởng cùng các chị em ngày ngày theo cha mẹ đến chùa học Kinh lễ Phật, và là những đoàn sinh trong gia đình Phật tử Anh vũ.

 

2. XUẤT GIA – TU HỌC:

Nhờ túc duyên thiện lành nhiều đời đã gieo trồng với Tam bảo, nên người sớm nhận ra kiếp sống nhân sinh vô thường huyễn hóa, chỉ có noi gót Phật Đà mới chính là con đường giác ngộ giải thoát, vì thế Ni trưởng đã nguyện chí xuất gia tu học và được Hòa thượng thượng Phước hạ Thành thâu nhận làm đồ đệ rồi thế phát xuất gia vào ngày 18 tháng 2 năm 1957, tại chùa Thiên Phước xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Để tiến xa hơn trên đường học đạo, năm 1961, Hòa thượng bổn sư gởi gắm nhờ Hòa Thượng thượng Kế hạ Châu, chùa Thập Tháp đưa Ni trưởng ra Huế nhập chúng tại chùa Hồng Ân, y chỉ với Cố trưởng lão Ni trưởng Diệu Không để tu học, và cũng vào năm này Ni trưởng thọ giới Sa Di Ni tại chùa Hồng Ân do Trưởng lão Ni trưởng Diệu Không tổ chức. Từ đấy Người càng tinh tấn hơn, ngày thì cần lao phụng sự, tối về cần mẫn kệ kinh, trong cuộc sống Ni trưởng luôn ngay thẳng ôn hoà nên được nhiều người yêu mến quý trọng.

2 năm sau đó (tức năm 1963), Ni trưởng thọ Thức Xoa Ma Na cũng do trưởng lão Ni trưởng Diệu Không tổ chức tại chùa Hồng Ân.

Sau đấy, Ni trưởng về chùa Huê Lâm,  tại Tùng Thiện Vương quận 8, thành phố Hồ Chí Minh để nương đức Sư trưởng thượng Như hạ Thanh tu học và phụ giúp việc xây dựng trường tiểu học cho trẻ em nghèo.

Năm 1968 Ni trưởng thọ Đại giới Tỳ Kheo Ni, tại chùa Pháp Quang Chợ Lớn do Ni trưởng Thích Nữ Đạt Đạo làm đàn đầu.

Với tâm hạnh dâng trọn cho lễ Nghi kệ kinh tán tụng, và có lẽ nhờ túc duyên nhiều đời đã được bẩm thọ, nên sau khi xuất gia Ni trưởng nhanh chóng học nghi lễ một cách thuần thục.

3. CÔNG HẠNH – HÀNH ĐẠO

Những năm 1968 -1970, Ni trưởng được Hòa thượng trú trì chùa Bảo Lâm cho về chùa núi Bảo Phong – Phù Cát tu tập và hành đạo cùng Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Văn. Trong thời gian này, bằng kinh nghiệm y tế mà Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Văn hướng dẫn lại, Ni trưởng đã phụ cùng Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Văn cứu giúp rất nhiều thương bệnh binh chiến sĩ cách mạng và đồng bào tại địa phương.

Năm 1972, Ni trưởng đã cùng Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Văn tiếp nhận lại tịnh thất Quan Âm do cố Hoà Thượng thượng Phước hạ Huy phó chúc để mà phụng hành Phật sự.

Tịnh thất Quan Âm do Hòa thượng thượng Phước hạ Huy khai sơn vào năm 1966,  đến lúc Ni trưởng cùng Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Văn tiếp nhận thì tịnh thất vẫn còn đơn sơ chỉ độc nhất có ngôi chánh điện với 2 bức vách được lợp che bởi 8 tấm tôn nhỏ, hai vị phải tự xây cất thêm nhà hậu để làm nơi cư trú và tiếp độ Ni chúng. Đến năm 1983 vách xiêu cột rã nên Ni trưởng cùng với Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Văn xin phép ban Tôn giáo cùng chính quyền địa phương tái thiết lại ngôi chánh điện cho thêm phần khang trang hơn để tu niệm và có nơi chốn cho Phật tử về lễ bái, do nguyên vật liệu còn quá thô sơ nên chẳng bao lâu thì chùa lại xuống cấp trầm trọng.

Năm 1992, Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Văn được Hòa thượng viện chủ chùa Giác Hoàng, Bình Định giao chùa Tịnh Hòa thuộc thôn Khánh Hòa xã Nhơn Khánh Thị xã An Nhơn – Bình Định. Vâng lời Thầy, Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Văn về trú trì chùa Tịnh Hòa, Ni trưởng vẫn ở lại chùa Quan Âm tiếp tục hướng dẫn Phật tử tu tập.

Đến năm 2000 được sự giúp đỡ của Giáo hội, Chư tôn Thiền Đức các chùa và các thiện nam tín nữ gần xa kẻ ít người nhiều, kẻ công người của, Ni trưởng lại một lần nữa trùng tu trang nghiêm Tam Bảo, và xây dựng thêm phòng xá để Ni chúng có nơi chốn mà an tâm tu học.

Ngôi Tam bảo sau khi đã được trùng tu trang nghiêm, Cứ vào ngày 19 âm lịch hằng tháng, Ni trưởng mở khóa tu Bát Quan Trai và đạo tràng niệm Phật cho các Phật tử tựu trung về tu tập.

Đạo tràng niệm Phật của Phật tử Bạc Liêu cũng nhiều lần thỉnh Ni trưởng về dẫn dắt đạo tràng mỗi khi đạo tràng tu học.

Trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, Ni trưởng cũng đã hóa độ một số đệ tử xuất gia, Ni trưởng đều đã cho đi học trung cấp và học viện, đến nay một số đã đi trú trì các chùa trong và ngoài tỉnh, cũng như ở nước ngoài.

Khi Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định được thành lập, Ni trưởng đảm trách chức vụ Ủy viên Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định, và Phó Phân Ban Ni giới GHPGVN tỉnh Bình Định.

Từ năm 1994 đến nay, Ni trưởng được cung thỉnh vào hàng giới sư truyền trao giới pháp cho Ni chúng cầu học:

  • Năm 1994, làm Đệ Thất Tôn chứng sư (giới đàn Ni) Đại giới đàn Phước Huệ do GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức.
  • Năm 2000, làm Đệ Tam Tôn chứng sư (giới đàn Ni) Đại giới đàn Chánh Nhơn do GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chứ
  • Năm 2004, làm Đệ Tam tôn chứng sư (giới đàn Ni) Đại giới đàn Huệ Chiếu do GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chứ
  • Năm 2010, làm Đệ Tam Tôn chứng sư (giới đàn Ni) Đại giới đàn Cam Lồ do GHPGVN tỉnh Gia Lai tổ chứ
  • Năm 2012, làm Đệ tam Tôn chứng sư (giới đàn Ni) Đại giới đàn Giác Tánh do GHPGVN Nam tỉnh Bình Định tổ chứ
  • Năm 2015, làm Đệ Nhứt Tôn chứng sư (giới đàn Ni) Đại giới đàn Cam Lồ Giác Ngộ do GHPGVN tỉnh Gia Lai tổ chứ
  • Năm 2017, làm Đệ Nhị Tôn chứng sư (giới đàn Ni) Đại giới đàn Tâm Hoàn GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chứ

Trong những tháng năm chăm lo công tác Phật sự, Ni trưởng vẫn không quên nghiêm trì giới luật và sách tấn môn đồ tu học. Người luôn lấy Bát Kỉnh Pháp và Lục Hòa Pháp làm trọng. Từ bậc Đại lão cao Tăng cho đến Tỳ kheo trẻ tuổi, Ni trưởng đều cung kính thật tâm, ân cần kính lễ như pháp nên luôn được mọi người kính mến. Với hành trạng giản dị, tri túc, cẩn mật, Ni trưởng luôn là tấm gương sáng cho hàng Môn đồ Pháp quyến noi theo.  Mỗi ngày, dù nắng hay mưa, dù khoẻ mạnh hay đau ốm, Ni trưởng vẫn không bỏ bất kỳ một thời kinh kệ nào, cho đến ngày bệnh nặng không thể tự đi được nữa, tuy ngồi yên trên giường nhưng Ni trưởng vẫn không ngừng nhắc nhở đệ tử, đệ tôn hãy gắng tinh tấn kệ kinh chứ đừng bao giờ giải đãi. Ni trưởng từng nhắc nhở đệ tử rằng:

“Xem TỪ BI là cội gốc vững bền, nên phát nguyện độ chúng sanh ba cõi,

Lấy TRÍ TUỆ làm đuốc ngời soi sáng, sẽ an lành nhập cảnh giới Tây Phương.”

4. TỪ THIỆN XÃ HỘI:

Với tấm lòng bi mẫn, xót  thương cho học sinh nghèo khó hiếu học, Ni trưởng đã giúp các em làm đơn gởi đến các hội từ thiện và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước xin cấp học bổng hỗ trợ cho các em được tiếp tục học tập.

Ni trưởng còn cùng “Hội xây nhà an vui” đi vận động quyên góp xây dựng nhà cho những người già neo đơn và người tàn tật. Ngoài ra Ni trưởng còn vận động Phật tử quyên góp cứu trợ lũ lụt, thăm trại tâm thần, mời Bác sĩ về khám chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo, người gia neo đơn, Mở lớp học hè tình thương …

5. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Sau thời gian lâm trọng bệnh, mặc dù được môn đồ pháp quyến tận tình chữa chạy, nhưng vì tuổi cao sức yếu, duyên Ta bà đã mãn, buông tay mộng huyễn về theo Phật Ni trưởng an nhiên thị tịch vào lúc18 giờ 05 phút, ngày 15 Tháng 04 Năm Kỷ Hợi (nhằm ngày 19 tháng 05 năm 2019) tại chùa Quan Âm, trụ thế 84 năm, Pháp lạp 51 hạ.

Trước khi viên tịch, Ni trưởng còn dặn dò đệ tử:

Sinh tức tử, tử tức sanh, tử sanh nào có,
Sắc là không, không là sắc, không sắc vốn không.

Gá thân mộng, vui cảnh mộng, tử sinh cũng mộng,

Nương thuyền Từ, soi đuốc Tuệ, vạn pháp quy chơn

Trước giờ tạm biệt bùi ngùi này, môn đồ hiếu quyến chúng con đầu thành đảnh lễ xin Ni trưởng đừng quên đại nguyện, sớm hội nhập Ta-bà để hoằng dương Chánh pháp, cứu độ chúng sinh.

NAM MÔ TỪ LÂM TẾ TÔNG

TỨ THẬP LỤC THẾ LIỄU QUÁN PHÁP PHÁI, HÚY

THƯỢNG NHUẬN HẠ THỌ HIỆU TỪ TRÍ ÂN SƯ

GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

MÔN ĐỒ PHÁP QUYẾN ĐỒNG BÁI SOẠN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *