Tiểu Sử Cố Hoà Thượng Thích Đồng Tịnh

 

Chân dung cố Hoà Thượng Thích Đồng Tịnh

Tiểu sử

HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỒNG TỊNH (1954– 2019)

 

       1. THÂN THẾ:

         Hòa thượng thế danh là Võ Văn Nghiêm, pháp danh Đồng Tịnh, tự Tâm Thiện, hiệu Liễu Ngộ, thuộc dòng phái Thiền Lâm Tế đời thứ 43.

        Hòa thượng sinh năm Giáp Ngọ (1954) tại thôn An Đức, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Võ Công Trinh pháp danh Nhựt Trường, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tiệm pháp danh Nguyên Khôn. Gia đình Hòa thượng  nhiều đời  thâm tín tam bảo, ngài có ba anh em, Hòa thượng là anh cả, bào muội là Ni sư Thích Nữ Hạnh Hậu trụ trì chùa Thánh Lâm, bào đệ là Thích Vạn Thuận Chùa Gia Khánh.

 

       2. XUẤT GIA HỌC ĐẠO:

        Từ nhỏ, Ngài đã sớm kết duyên lành với Phật Pháp, Ngài thường xuyên theo mẹ đến chùa lễ Phật, ngoài thời gian phụ giúp thân phụ dạy học. Năm 18 tuổi (1971), ngài thi đậu Tú Tài I, Cảm thấy mến mộ giáo lý Phật Đà, Hòa Thượng xin  phép song thân, tham vấn học đạo ở chùa Bửu Quang, Chùa Mỹ Long, Chùa Thánh Lâm và sau có nhân duyên lành xuất gia với Hòa Thượng Bình Khánh trụ trì chùa Gia khánh. Với cốt cách bậc mô phạm và bản tánh thông minh siêng tu học nên được Hòa Thượng Bổn Sư thương mến cho tham học tại Phật Học Viện Nguyên Thiều, Phật Học Viện Phước Huệ tại Tổ Đình Thập Tháp vào những năm 1972-1975. Trong khoảng thời gian này, Ngài thọ giới Sa Di Đại Giới Đàn Phước Huệ tại Phật Học Viện Trung Phần Nha Trang với hạng thủ khoa năm 1973. Cuối năm Ất Mão (1975) Ngài thọ giới Tỳ Kheo tại Tổ Đình Hưng Long, An Nhơn Bình Định với phần thưởng Thủ dĩ Sa Di. Sau những năm tháng thống nhất đất nước, Ngài về phụng sự Tam bảo tại chùa nhận trách nhiệm trú trì chùa Gia Khánh, sau đó được duyên lành tham học với bậc Tôn sư lỗi lạc thời bấy giờ là Hòa Thượng Thích Bình Chánh (Tổ Đình Sơn Long) tại  thành phố Qui Nhơn vào những năm 1979-1984, cùng tham học với Hòa Thượng lúc bấy giờ cũng có cố Hòa Thượng Thích Quảng Bửu Viện chủ Tu viện Nguyên Thiều, Hòa Thượng Thích Đồng Chơn  trú trì chùa Bình An.

 

       3.  HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH:       

         Sau thời gian chuyên tu Ngài đã đi ứng phó đạo tràng khắp nơi trong và ngoài tỉnh cũng như trong nước và ngoài nước. Với đức độ và uy tín ấy, Ngài lần lược được chư Tăng Ni suy cử trải qua các chức vụ như: Thư ký Ban Đại Diện Phật Giáo huyện nhiệm kỳ (2002 -2007), Giáo thọ trường Trung Cấp Phật Học Bình Định. Năm 2012, Ngài được suy cử Phó Ban Đại Diện Phật Giáo huyện Tuy Phước.

         Từ năm 2012 đến 2017 Ngài đảm trách trưởng Ban Trị Sự GHPGVN huyện Tuy Phước, phó Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định kiêm trưởng Ban Giáo Dục Phật Giáo tỉnh Bình Định, trong thời gian từ đó cho đến nay, Hòa Thượng không ngại mọi khó nhọc, năng nổ trong mọi công tác Phật sự khác như: nhận làm Tả -Hữu giám đàn, giảng dạy giáo lý cho các đạo tràng tu Bát Quan Trai, cũng như không ngại bệnh tật đau ốm mà vẫn hoan hỷ nhận lời thỉnh làm Tôn Sư Thất Chứng các giới đàn tại Bình Định, Gia  Lai, Nha Trang…. Suốt thời gian Ngài tham gia công tác Phật sự và đồng hành cùng Chư Tôn Thiền Đức trong Ban Trị Sự, Ngài luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm mà Giáo Hội đã giao phó với phong thái nhẹ nhàng của một người tu hành chơn chất bằng tinh thần Lục Hòa của Tăng Đoàn.

 

      4. CÔNG CUỘC TRÙNG TU:

        Đối với ngôi phạm vũ Gia Khánh, từ khi Ngài nhận trách nhiệm trú trì, tiếp nối Tổ nghiệp, truyền trì mạng mạch Phật Pháp, Ngài đã kiến thiết lại các hạng mục của chùa, xây mới chánh điện, nhà tổ, nhà bếp, bờ tường cổng ngõ….Hòa thượng đã  khai sơn Chùa Gia khánh II tại Gia Lai, khôi phục chùa Phước Lộc tại Chợ Huyện, khai sơn Tịnh thất Phổ Đà, Tịnh thất Mật Tông.

 

      5. VIÊN TỊCH

        Trong cuộc đời hành đạo, ngài luôn hoan hỷ gia trì cho các pháp sự khắp nơi, mỗi mỗi việc ngài đều vận tâm tu tập, không một ngày rời bỏ công phu, nghiên cứu kinh điển, luôn miên mật hành trì như vậy. Tuy thân thể nhiều bệnh duyên nhưng ngài không từ chối bất cứ Phật sự nào, bất cứ nơi đâu cần cầu thì ngài đến, không phân biệt sang hèn giàu nghèo, không quản ngại đường xa khó nhọc.

        Dường như nhân duyên hóa độ đã mãn, trọng trách kế thừa Tổ nghiệp đã thành, huyễn thân giả tạm như cỗ xe trải qua thời gian cũng đến thời tan rã, có họp rồi có ly, trên đường thi thiết Phật sự, Ngài đã hiện thân ngộ nạn thị tịch vào lúc 07h30 ngày 24 tháng 11 năm 2019 (nhằm 28/10/kỷ hợi). Trụ thế 66 năm, 44 Hạ lạp.

       Từ lúc xuất gia cho đến ngày viên tịch, suốt cuộc đời Ngài đã không ngừng phụng sự đạo pháp, hóa độ chúng sanh. Với trách nhiệm “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, kế thừa Tổ nghiệp, Ngài khơi đèn tuệ giác cho hàng ngàn Môn đồ Tứ chúng.  Hàng đệ tử xuất gia với ngài, nhiều vị đã tốt nghiệp từ Cử nhân,Tiến sĩ, và nhận trù trì các tự, viện, tịnh thất như: Đại Đức T.Vạn Lý (Sài Gòn), Đại Đức T.Vạn Đức (Phước Lộc), Đại Đức T.Vạn Kim (Gia Lai), Đại Đức T.Vạn Thanh(Phước Thuận), Đại Đức  T.Vạn Pháp ( Phước Thành), Đại Đức T.Vạn Tín (Phước Thuận).

       Với cuộc đời thanh tu, nghiêm trì giới Luật, Ngài xứng đáng là bậc “Tòng Lâm Thạch Trụ”, là cây đại thụ che mát cho môn đồ tứ chúng khắp nơi. Cả cuộc đời của Ngài luôn sống giản dị và hết lòng phụng sự Tam Bảo, không khước từ bất cứ Phật sự nào, luôn hoan hỷ trong mọi hoàn cảnh chỉ một lòng hướng về Phật quả. Sự ra đi của Ngài như là một bài pháp vô thường, để lại bao niềm tiếc thương vô hạn cho Môn đồ, Pháp phái, Chư tôn đức Tăng ni  và thiện tín Phật tử gần xa.

      Nam Mô Lâm Tế Chánh Tôn Tứ Thập Tam Thế Gia Khánh Đường Thượng huý thượng Đồng hạ Tịnh, Tự Tâm Thiện, hiệu Liễu Ngộ Hoà Thượng Giác Linh thuỳ Từ chứng giám

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *