Lưu dấu kỷ niệm tham gia chuyến dã ngoại với Trường Trung cấp Phật học Bình Định

Đời người ai cũng có những chuyến đi gần xa lúc tuổi thanh xuân hay tuổi già, Tôi cũng vậy. Trong những chuyến đi công tác Tôi có dịp đi đây đó, mỗi chuyến đi luôn để lại những cảm xúc khác nhau. Lần này Tôi được cộng hành trong chuyến đi sinh hoạt dã ngoại, tham quan, chiêm bái, giao lưu của Trường Trung cấp Phật học Bình Định trong 6 ngày 5 đêm tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc từ ngày 23/03/2023 đến 28/03/2023, có những nơi Tôi quay lại lần thứ hai và cũng có nơi là lần đầu tiên Tôi được đặt chân đến.

Sinh ra, lớn lên và tu tập trên mảnh đất đầy nắng và gió, Tôi luôn mang trong mình một niềm tự hào về quê hương, tự hào là một người con Bình Định, vùng ven biển nằm ở phía bắc duyên hải Nam Trung bộ. Vùng đất mà lịch sử ghi nhận từng là kinh đô của các tiểu quốc, các triều đại phong kiến xưa như thành Đồ Bàn là kinh đô cuối cùng của vương quốc cổ Chămpa (nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) hay thành Hoàng Đế là kinh đô của triều Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam từ năm 1776 đến 1793 dưới thời vua Nguyễn Nhạc, thành Bình Định dưới triều địa vua Nguyễn Ánh; nơi không chỉ được mệnh danh là vùng đất võ trời văn mà còn là một trong hai trung tâm Phật giáo lớn ở xứ đàng Trong xưa và là điểm hội tụ của nền Giáo dục Phật giáo ngày nay.

Trở lại chuyến đi lần này, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)  là điểm đến đầu tiên của Đoàn. Khi được đặt chân đến vùng đất thiêng, Tôi được nghe Hoà Thượng Trú trì thiền viện Tây Thiên khái quát lịch sử quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam. Theo lời của Hoà Thượng thì mảnh đất Vĩnh Phúc là nơi phát tích, khơi nguồn cho Phật giáo Việt Nam khi vào khoảng thế kỷ thứ 3, một nhà sư người Ấn Độ tên Khương Tăng Hội đã dừng chân nơi đây và dựng chùa truyền giáo, danh từ “Tây Thiên(Ấn Độ)” cũng từ đây mà hình thành.  Hai câu đối trước cổng Tam quan như một lời khẳng định cho điều này:

Tây Thiên tổ ấn khơi nguồn Phật

Vĩnh Phúc thiền tông thắp sáng tâm”

Hiện nay trong khuôn viên Thiền viện còn lưu dấu ngôi Tháp tổ được xây dựng vào thời nhà Trần, những viên gạch đã trải qua niên đại một nghìn năm vẫn không bám rêu phong.

Cũng trên mảnh đất Vĩnh Phúc, đến chùa Vân (tịnh viện Vân Sơn) Tôi lại được Thượng Toạ Trú Trì giới thiệu sơ nét về mảnh đất được xem là trung tâm Phật giáo đầu tiên theo số ít nguồn tài liệu nghiên cứu. Nơi đây đang kiến tạo một ngôi Đại hùng Bảo điện rất trang nghiêm đã cho Tôi cảm nhận được sự tri ân Tổ đức mà thế hệ kế thừa đang nỗ lực phục hưng lại những nơi đón nhận nguồn giáo lý đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

Trong chuyến đi này, chùa Địa Tạng Phi Lai làm Tôi trải nghiệm hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Ngô Đinh nhưng do thời cuộc chiến tranh nơi đây chỉ còn lại phế tích của một ngôi tháp cổ. Với những ưu tư kiến lập đạo tràng phục hưng nơi dấu tổ của chư Tôn đức, chỉ hơn 7 năm Thượng Toạ Trú trì và Phật tử nơi đây đã phục dựng thành ngôi phạm vũ trang nghiêm như ngày hôm nay. Đêm về trên nền móng giao thoa giữa dòng lịch sử xưa và nay, Tôi thả đèn trời cầu nguyện, nguyện cho Tổ Ấn trùng quang, Phật pháp lưu truyền, lại nguyện cho Tôi có sức khoẻ để hoàn thành tâm nguyện trùng hưng ngôi Già lam Long Hoa.

Ngoài ra Đoàn trường còn đi đến những danh lam thắng cảnh như để xoá đi khoảng cách thầy trò, chỉ có tình huynh đệ pháp lữ chia sẻ những chai nước, ngồi lại đọc tụng những bài kinh quen thuộc tại những nơi thánh địa như động Hương Tích trên đỉnh Hương Sơn hoặc trên đỉnh Non thiêng Yên Tử, thầy trò ngồi trên những chóp đá cheo leo, lời kinh tiếng kệ trên nền xưa tháp cũ vang vang theo làn khói hương bay cao hoà vào với núi rừng, với hạnh nguyện của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từ bỏ cung vàng điện ngọc tìm đến Đạo màu; núi Ngoạ Vân, nơi rừng thiêng đầy sương khói, nơi Phật hoàng viên tịch để đảnh lễ, để hồi tưởng cuộc đời và công hạnh của một bậc Thánh nhân đã khai sáng nên một dòng thiền mang dấu ấn Phật giáo nước Việt; bữa ăn tại chân núi Hương Sơn bên dòng suối Giải Oan, thưởng thức những món măng trúc xào, một đặc sản vùng núi Trúc Lâm; Thầy Trò thong dong trên những chiếc thuyền ở vùng biển Vịnh Hạ Long, nơi có đất trời giao nhau và khám phá hang động Thiên Cung hùng vĩ trên núi đá vôi giữa lòng biển cả; cùng nhau leo lên 560 bậc đá để đến chùa Đồng. Giữa chặng gần 2km bậc thang như thách thức ý chí Thầy Trò, Tôi gặp một cụ già tuổi đã gần 72 nhưng rất hoan hỷ bước từng bấc thang để mong một lần được lên đến nơi đảnh lễ tôn tượng Phật Hoàng. Để tạo động lực cho tôi, cho người và cho tất cả, bất giác Tôi ngâm vài câu thơ:

Trăm năm rong ruổi cuộc đời,

Chưa về Yên Tử chưa rời cuộc chơi.

Chuyến đi dọc dài xuyên qua tỉnh Hải Dương huyện Chí Linh, Đoàn ghé tại một trạm dừng chân bên đường, đây cũng là địa danh nơi nhà chí sĩ yêu nước, nhà giáo ưu tú thời Phong kiến Chu Văn An đã cáo lão về quê vui với đời dạy học.

Cuối cùng vào một buổi chiều muộn viếng thăm chùa Dâu là điểm kết thúc lịch trình. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Cả, Cổ Châu Tự, Diên Ứng Tự. Nếu chấp nhận tư liệu Phật giáo truyền vào Việt Nam đầu tiên tại Vĩnh Phúc thì chùa Dâu được xem là trung tâm Phật giáo thứ hai sau Tam Đảo Tây Thiên. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay gắn với kỳ tích chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp, là trung tâm của phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, nơi trụ trì của nhiều cao tăng Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đến để nghiên cứu, biên soạn, phiên dịch kinh Phật, đào tạo Tăng Ni. Sự phát triển của chùa Dâu còn gắn chặt với truyền thuyết về Phật mẫu Man Nương tạo nên nét độc đáo, thể hiện sự hòa quyện chặt chẽ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian vô cùng đặc sắc của nhân dân Bắc Ninh. Di tích lịch sử chùa Dâu đi vào đời sống dân gian từ bao đời nay. Mặc dù ngày nay, di tích chùa Dâu không còn như xưa nữa nhưng ý nghĩa và giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn trong lòng con người:

Dù ai buôn đâu bán đâu,

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

Song hành với chùa Dâu, chùa Quỳnh Lâm (tên thường gọi là chùa Quỳnh, tọa lạc tại núi Tiên Du, thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) ngôi chùa đã từng được xem là Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa.  Theo truyền thuyết dân gian thì Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời Lý Thần Tông do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Dân gian truyền lại rằng, khi dựng chùa ông đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng (tương đương 20m), pho tượng này được coi là một trong “An Nam tứ đại khí”, pho tượng được đặt trong tòa điện cao bảy trượng. Chính pho tượng này, cùng tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Một Cột, Hà Nội) và vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh) – là bốn vật kim khí đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, được xếp vào nhóm quốc bảo “An Nam tứ đại khí” của người Việt ở thế kỷ thứ XII. Trong đó, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm đứng vị trí đầu. Đứng trên bình diện giáo dục, nếu Văn Miếu- Quốc Tử Giám là bước ngoặc cho nền Giáo dục Khoa cử Việt Nam thì chùa Quỳnh Lâm là trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta được chủ trương bởi thiền sư Pháp Loa vào năm 1316.

Xuyên suốt cuộc hành trình, chúng tôi đã lần lượt đi đến những già lam chốn tổ, những vùng đất thiêng, bồng bềnh trên con nước giữa thiên nhiên ngút ngàn, mở rộng tầm nhìn về nền giáo dục Phật giáo qua lời chia sẻ của Hoà Thượng Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, lần theo dấu xưa thành cổ, lặng nghe chuyện cũ thăng trầm, chuyện hưng thịnh của trung tâm Phật giáo một thời, chuyện rộn ràng nơi tuyển hiền tài chốn Văn Miếu… tất cả chỉ còn là quá khứ hiện về trong lời kể của người xưa, trong những mối ưu tư của người nay và trong dòng chảy miên man bất tận của lịch sử, của dòng đời duyên sanh bất tận.

Một chuyến đi không dài, chỉ vỏn vẹn 5 đêm 6 ngày vừa đủ cho Thầy Trò tôi thấm mệt. Gởi các học trò khoá IX, là các Tăng Ni sinh trẻ  của Bổn trường, là thế hệ kế thừa của Phật pháp. Kể từ khoá VI, khi quý Hoà Thượng trao gởi trách nhiệm giáo dục đến chư Tôn đức Tân Ban Giám hiệu trẻ, chính là những Thầy Cô đã trực tiếp đứng trên giảng đường truyền trao kinh nghiệm, con chữ, Giáo pháp cho các vị trong ba năm học vừa qua. Bốn khoá đi qua với những chặng đường phiêu lưu khác nhau. Bằng tất cả sự nỗ lực và tình thương, Bổn trường đã tổ chức chuyến hành hương lần này để các TNS trước khi kết thúc chặng đường ba năm, có thêm những trải nghiệm thực tế, có thêm những khái niệm cụ thể về Phật giáo nước ta, hiểu thêm hành trạng của chư tổ đức đã dày công cho sự truyền bá Phật pháp cũng bởi “biết người trước thì chúng ta mới biết chúng ta là ai”. Mai này, dù các vị có đi đâu về đâu, dù ở địa vị nào thì vẫn nhớ về mái trường Nguyên Thiều, nhớ về các Thầy Cô, nhớ những câu chuyện đẹp một thời tuổi trẻ, dù buồn dù vui, mong các vị giữ mãi những kỷ niệm đẹp giữa Thầy và Trò trường TCPH Bình Định.

Hình ảnh lưu lại trong suốt chuyến đi:

 

     

   Bí Sô Thich Viên Chơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *