Những con số: 11-10-3-1-51
Thấm thoáng đã 11 năm đặt viên đá đầu tiên trùng tu ngôi tam bảo Long Hoa,
10 năm chính thức khởi công tái thiết,
3 năm hoàn thành trùng tu ngôi Chánh điện và An vị tôn tượng Tam thế Phật,
1 năm công trình phải tạm dừng thi công.
Mới đó đã thoáng qua 51 tuổi đời, công trình chùa Long Hoa còn đang chờ thuận nhân thuận duyên (Tây đường mới lợp mái, Tổ đường và Đông đường xong nền móng) trong khi tuổi đời người thì không đợi tháng đợi năm…
Đôi điều thành văn
Ngẫm cùng chúng tôi:
Trong thời buổi xã hội hiện tại và đặc biệt những rối rem đối với Phật giáo chúng ta trong thời gian gần đây.
Xin tất cả hãy bình tâm cùng nhìn về quá khứ,
Chư tổ đi trước, các Ngài đã có con đường, đã hết lòng vun bồi và có đôi lần phải đấu tranh để thể tướng Tam bảo (tức chùa chiềng, tượng Phật, kinh điển, Tăng đoàn) được truyền thừa vững chãi, để người con Phật, để người hiếu đạo hiếu nghĩa hôm nay và mai sau có nơi nương tựa.
Về tầm quan trọng của Thể tướng Tam bảo, xin dẫn thêm vài cứ liệu:
Thời đức Phật có những ngôi tinh xá lớn như:
– Kỳ Viên do vua Tần-bà-sa-la cúng dường, nơi mà hơn 2500 năm về trước, Đức Phật đã từng hàng ngày vào đây tọa thiền và giáo hóa chúng Tăng, 844 bộ kinh được thuyết ra và đức Phật lưu lại 19 mùa mưa tại đây.
– Kỳ Hoàn tinh xá do trưởng giả Cấp Cô Độc và Thái từ Kỳ-đà hiến cúng, nơi đức Phật trải qua 6 mùa an cư kiết hạ.
Phật giáo Trung Hoa ghi nhận tại núi Tung Sơn chùa Thiếu Lâm, nơi tổ Bồ Đề Đạt Ma chín năm diện bích, khai sáng thiền tông Trung Hoa.
Phía Bắc nước ta thì có Ngọa Vân Am, nơi tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông để rồi khai sáng ra dòng thiền tông Việt Nam- thiền phái Trúc Lâm.
Tại mảnh đất Bình Định, còn lưu dấu chân vị Tổ sư từ Trung Hoa vào Việt Nam:
– Đồi Long Bích nơi tổ sư Nguyên Thiều đã thiết lập Thập Tháp Di Đà tự, mở trường truyền đạo để rồi Phật giáo Bình Định đi vào nề nếp như ngày hôm nay;
– “Dũng Tuyền Thạch Cốc” (hang đá có nước xối mạnh) là tiền thân của “Sắc Tứ Linh Phong Thiền tự”, trong nhân gian còn truyền miệng sự kiện tổ Tánh Ban trong núi đá ẩn tu, dùng vỏ cây làm y phục.
– Các tổ Minh Hải Pháp Bảo và Thiệt Diệu Liễu Quán truyền thừa kệ phái, dựng nên các ngôi cổ tự để Phật giáo Bình Định thêm sắc thái phong phú, đa dạng trong pháp tu, pháp kệ…
Mời đọc thêm lá thư mùa An cư của Đại đức Thích Tuệ Minh- Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Nghệ An trước những thức thách mà Phật giáo chúng ta đang đối diện:
“…những năm 60 của thế kỷ trước, khi Nghệ An ta bị ảnh hưởng của Văn Cách (Cách Mạng Văn Hóa) mà Đình, Đền, Chùa… đã bị tàn phá tới mức nghiêm trọng không thương tiếc. Bao di sản, bao văn vật trứ danh của Tổ tiên bị phá bỏ, tạo cơ hội cho sự xâm thực văn hóa dân tộc, đến nổi gần 70 năm sau mới có cơ hội được phục sinh. Đó chính nhờ nước nhà có phúc, dân tộc trung kiên, đất Nghệ An ta có duyên sâu đậm với Phật giáo và Đạo Phật cũng có duyên không thể tách rời nên mới có thể vươn dậy từ một vùng “trắng Phật giáo”. Điều này chẳng phải chúng ta cần suy nghĩ sao? Nếu đạo Phật bị phá thì tinh thần dân tộc cũng lung lay, vì tư tưởng đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc, nên cụ Hồ khẳng định đó chính là vận mệnh không thể phân ly, như bóng với hình!”
Do đó, dù hiện tượng xã hội có lúc thuận lúc nghịch, nhưng việc xây dựng ngôi Tam bảo, tạo tượng, đúc chuông vẫn luôn là xứ mệnh của Tăng Ni, là nhiệm vụ của người con Phật (xuất gia, tại gia tín đồ). Nếu không có ngôi Tam bảo thế gian thì Chánh giáo đức Phật duyên vào đâu mà truyền thừa? Do đâu mà phát hưng?
Lời cảm niệm:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thành kính tri ân Quí Tôn đức Tăng Ni đã gởi lời chúc sinh nhật lần thứ 51 đến Viên Chơn qua mạng Zalo, Facebook, Viber.
Trong tình thầy Trò, Thầy xin cảm ơn đệ tử, quí Phật tử xa gần đã gởi những lẵng hoa, bánh chúc mừng. Xin dâng lên cúng dường ngôi Tam bảo.
Nguyện cho tất cả đều bình an,
Nguyện cho niềm tin chân chánh luôn kiên cố, tiếp bước con đường mà chư tổ đã lưu lại cho đạo, cho đời.
Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Bí sô Thích Viên Chơn